Hướng dẫn ba mẹ bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh đầy đủ từ A – Z

cham soc tre so sinh

BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ

Việc chăm sóc đầy đủ và đúng cách cho trẻ sơ sinh không chỉ được bắt đầu sau sinh mà ba mẹ cần chuẩn bị mọi thứ ngay từ giai đoạn trước sinh, đặc biệt là về mặt tâm lý và kiến thức. Với những người mẹ sinh con đầu lòng, chắc chắn sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ không biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào cho đúng. Bài viết này sẽ bật mí bí quyết chăm trẻ sơ sinh đầy đủ từ A – Z cho ba mẹ.

Hướng dẫn mẹ cách bế trẻ sơ sinh

Trước khi bế, mẹ cần lên tiếng để báo hiệu bé biết rằng là mẹ sắp bế bé. Hãy nhìn và trò chuyện âu yếm với bé, sau đó nhẹ nhàng luồn hai tay xuống dưới đầu, vai và mông để bế bé lên. Thao tác này sẽ giúp bé không bị giật mình, khóc hoảng vì bất ngờ bị bế lên khỏi chỗ nằm.

Mỗi bé sẽ có một tư thế bế yêu thích riêng, có bé sẽ thích được ẵm ngửa, có bé lại thích vác vai,… Khi lần đầu tiên bế bé, mẹ sẽ có chút lúng túng nhưng cứ hãy nhẹ nhàng. Sau vài ngày, mẹ sẽ biết được tư thế bế mà bé thích nhất.

cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng
Lần đầu bế bé ba mẹ có thể có chút lúng túng, nhưng đừng quá lo lắng, hãy cứ thao tác nhẹ nhàng

Hướng dẫn mẹ cách cho trẻ sơ sinh bú và ngủ

Cho bé bú đúng cách cũng là một trong những cách chăm sóc trẻ sơ sinh mà mẹ nên biết. Ngay giờ đầu sau sinh, mẹ nên sớm bắt đầu cho trẻ bú. Những dòng sữa non đầu tiên không quá dồi dào nhưng chứa nhiều chất bổ dưỡng cần thiết cho bé. Mẹ cũng cần chọn tư thế cho bú sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái.

  • Ở tư thế ngồi: Mẹ ngồi thật thoải mái, lưng có thể tựa vào ghế hoặc đâu đó sao cho cơ thắt lưng và vùng cổ không bị căng cứng, gây đau và mỏi lưng. Mẹ giữ chắc và nâng đỡ bé trong vòng tay của mình. Có thể chêm thêm một chiếc gối nhỏ ở phía dưới để việc nâng bé dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
  • Ở tư thế bé nằm sát mẹ: Mẹ nằm nghiêng, kê gối dưới đùi, chân trên gập gối. Sau đó, mẹ đặt bé nằm nghiêng, quay mặt về phía của mẹ sao cho miệng bé áp sát bầu ngực dưới. Hãy đỡ dưới đầu bé bằng cánh tay nhằm hỗ trợ cho bé áp miệng vào vú mẹ.

Sau khi đã vào đúng tư thế, mẹ hãy lau sạch núm và bầu vú của mình, dùng ngón trỏ và ngón cái giữ phần gần núm vú. Rồi nhẹ nhàng đưa núm vú vào môi bé để kích thích phản xạ bú, khi mẹ thấy bé há miệng thì ép sát và đưa núm vú vào miệng bé.

Mẹ cũng cần phải xem xem bé đã ngậm vú đúng cách chưa để đảm bảo bé uống được sữa. Tư thế đúng sẽ là miệng bé há rộng, ngậm trọn cả quầng vú, cằm bé chạm sát vú mẹ, môi dưới đưa ra phía ngoài. Bé mút đều, hai má căng phồng, mẹ có thể nghe được tiếng bé nuốt sữa ực, ực. Mẹ nên cho bé bú hết sữa một bên vú, nếu bé chưa no thì mới cho bú tiếp bên vú còn lại.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho mẹ
Cho bé bú đúng cách sẽ đảm bảo bé được no bụng và phát triển khỏe mạnh

Mẹ hãy cho bú cả ngày lẫn đêm tùy theo nhu cầu của bé. Thường thì cứ mỗi 2 đến 3 giờ nên cho bé bú, mỗi lần khoảng 15 đến 30 phút. Nếu bé ngủ quá nhiều mẹ nên đánh thức bé dậy và cho bú mỗi 3 giờ. Nếu bé không chịu bú hai cữ hay phản xạ mút quá yếu, hay bị nôn ói,… thì nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

Khi muốn hâm nóng sữa mẹ thì không được đun sôi trên bếp mà hãy làm ấm bằng cách ngâm cả bình vào một ca nước ấm không quá 40 độ C. Nếu sữa mẹ đã được đông lạnh thì có thể làm tan bằng cách cho bình sữa vào nước sôi, sau đó lắc đều và bảo đảm nhiệt độ đủ ấm.

cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh
Không được đun sôi sữa mẹ khi muốn hâm nóng

Bé ngủ ngon giấc sẽ rất tốt cho sự phát triển của thể chất lẫn tinh thần. Bé chỉ ngủ ngon khi được cho bú no, cơ thể tắm rửa sạch sẽ, phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh. Theo cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ cũng có thể massage nhẹ nhàng cho bé trước khi cho bé ngủ.

Để bé có thể dễ ngủ, mẹ cần cho bé ngủ ở phòng sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh. Nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh là khoảng 28 độ C. Không để nhiệt độ phòng quá thấp vì sẽ khiến bé bị cảm lạnh. Cũng không nên để nhiệt độ cao vì sẽ khiến con dễ ra mồ hôi gây bí bách, khó chịu, ngứa ngáy, ngủ không ngon giấc.

Mẹ cũng có thể để bé vào nôi, đung đưa nhẹ và hát ru khe khẽ hoặc mở những giai điệu êm dịu để bé dễ ngủ hơn. Tránh để bé nằm ngủ ở tư thế sấp, nếu trẻ ngủ sấp thì ba mẹ phải theo dõi cẩn thận.

cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng
Cần đảm bảo phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng mát để bé ngủ ngon và sâu giấc

Hướng dẫn cách vệ sinh, tắm rửa cho trẻ sơ sinh

Cách thay tã cho trẻ sơ sinh

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ có thể thể cho bé dùng tã giấy, tã vải hoặc dùng xen kẽ cả hai loại để tiết kiệm. Khi cho con sử dụng tã giấy, mẹ nên chọn kích cỡ thích hợp, có khả năng chống ngứa, hăm. Còn nếu dùng tã vải, mẹ nên chọn chất liệu cotton mềm, hút nước tốt.

chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách
Nên chọn tã phù hợp cho bé để con cảm thấy thoải mái, dễ chịu

Nên thay tã ngay cho bé sau khi bé đi ị hay đi tè. Trước khi thay tã mới, mẹ hãy dùng khăn mềm và nước ấm lau sạch sẽ bộ phận sinh dục và vùng hậu môn của bé theo hướng từ trước ra sau. Nên thoa kem bảo vệ da hoặc kem chống hăm trước khi mặc tã mới cho bé.

Cách tắm rửa cho trẻ sơ sinh

Mẹ nên dùng những loại sữa tắm gội 2 trong 1 dành cho trẻ sơ sinh để thuận tiện hơn khi tắm cho bé. Trước khi tắm, mẹ nhớ chuẩn bị đầy đủ những thứ sau:

  • Khăn xô khổ lớn và nhỏ, mũ, quần áo, bao tay…
  • Bông gòn, gạc, băng rốn vô trùng, tăm bông
  • Nước muối sinh lý 0,9%

Khi tắm cho con mẹ cần rửa tay thật sạch, không được để móng tay dài hay đeo nữ trang khi chăm sóc trẻ sơ sinh vì có thể gây trầy xước da bé. Mẹ hãy tắt hết thiết bị quạt hoặc máy lạnh, rồi tiến hành massage cho bé. Pha nước ấm, nhiệt độ khoảng 36 – 38 độ C tùy theo mùa để tắm cho bé. Nếu không có nhiệt kế chuyên dụng để đo nhiệt độ nước tắm, mẹ có thể dùng cùi chỏ tay của mình để thử nước. Trong khi tắm, mẹ nên trò chuyện âu yếm với bé để con cảm nhận được tình yêu thương.

cách chăm trẻ sơ sinh khi tắm
Hãy chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi tắm cho bé để quá trình được diễn ra thuận lợi

Khi mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, hãy tiến hành tắm cho bé theo những bước sau:

  • Đặt bé nằm trên giường hoặc mặt phẳng sạch sẽ nào đó, dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý lau mắt bé theo hướng từ trong ra ngoài.
  • Làm sạch lỗ mũi cho bé bằng khăn tắm mềm.
  • Lau mặt cho bé.
  • Bế bé lên và tiến hành gội đầu cho bé. Mẹ hãy sử dụng ngón áp út và ngón cái của bàn tay bế bé ép nhẹ hai vành tai vào sát lỗ tai để tránh nước chảy vào trong tai bé, tay kia dùng khăn thấm nước làm ướt tóc bé. Tiếp đến, lấy một lượng dầu gội vừa đủ thoa lên tóc bé, massage nhẹ nhàng vài phút rồi xả sạch với nước, dùng khăn lau khô đầu cho con.
  • Đối với bé chưa rụng rốn, mẹ hãy dùng khăn mềm lau người cho bé, tránh làm ướt phần rốn. Nếu muốn tắm cho con, mẹ hãy đặt bé vào trong chậu nước có pha sẵn chút sữa tắm để tắm. Sau đó, mẹ hãy vệ sinh vùng rốn thật sạch sẽ và kỹ càng cho bé để tránh bị nhiễm khuẩn.
  • Nhẹ nhàng bế con sang chậu nước khác để tắm sạch lại.
  • Sau khi tắm xong, đặt bé nằm trên giường hoặc mặt phẳng có lót khăn xô lớn, lau khô và ủ ấm cho bé.
  • Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mũi, mắt rồi dùng bông gòn lau khô từ trong ra ngoài. Tiếp đến, dùng tăm bông hoặc bông gòn làm sạch vùng bên ngoài tai cho trẻ. Không được để đầu chai thuốc nhỏ mắt hay nước muối chạm vào mắt, mũi bé.
  • Nhỏ nước muối lên gạc rơ lưỡi để vệ sinh miệng bé.
  • Dùng bông gòn thấm sạch nước đọng ở xung quanh rốn, dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý để lau khô rốn. Nên để rốn của bé được thoáng, tránh quấn băng gạc liền nhằm giúp rốn mau khô, nhanh rụng hơn.
  • Mặc tã, áo, bao tay, bao chân và cho bé bú ngay nếu bé có nhu cầu.
  • Trong quá trình chăm sóc bé sơ sinh, nếu muốn cắt móng tay, móng chân cho con, mẹ hãy cắt sau khi vừa tắm bé xong. Bởi vì lúc này, bé đang thoải mái, móng lại rất mềm nên rất dễ cắt. Ngoài ra, mẹ cũng có thể đợi cho bé ngủ say rồi cắt. Cắt móng tay, móng chân cho con thường xuyên sẽ giúp móng tay, móng chân bé không bị xước, hạn chế việc móng xước móc vào bao tay khiến con đau đớn, khó chịu hoặc con tự làm đau chính mình.
cắt móng tay chăm sóc em bé
Nên cắt móng tay cho trẻ ngay khi vừa tắm xong hoặc khi trẻ đã ngủ say

Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, cuống rốn còn hở và rất dễ bị nhiễm trùng nếu mẹ chăm sóc em bé không đúng cách. Việc này sẽ dẫn đến nguy hiểm cho trẻ và có thể gây nhiễm trùng máu nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh phải được làm hằng ngày và vệ sinh theo những bước sau:

  • Mẹ hãy rửa tay thật sạch, sát trùng bằng cồn 90 độ trước khi chăm sóc rốn cho trẻ.
  • Nhẹ nhàng tháo băng và gạc rốn của bé ra.
  • Quan sát mặt cắt của rốn và vùng quanh xem rốn có mủ, chảy dịch vàng, viêm đỏ, có mùi hôi, chảy máu hay có bất kỳ khác thường nào khác không.
  • Lau rốn bằng bông gòn với nước ấm vô trùng, sau đó thấm khô vùng cuống và chân rốn.
  • Dùng nước muối sinh lý để sát trùng vùng da quanh rốn của bé.
  • Có thể để hở rốn hoặc dùng một miếng gạc mỏng vô trùng để che rốn lại.
  • Quấn tã ở dưới rốn, tránh để nước tiểu, phân hay bất kỳ thứ gì dính lên làm bẩn vùng rốn.
cách chăm bé sơ sinh cho mẹ
Rốn của trẻ sơ sinh cần được làm vệ sinh sạch sẽ hằng ngày

Kinh nghiệm chăm sóc cơ thể cho trẻ sơ sinh

Chăm sóc phần mềm

Trong quá trình vệ sinh chăm sóc trẻ sơ sinh, ba mẹ nên lưu ý đến 2 thóp (điểm mềm) trên phần đầu của bé:

  • Thóp đầu tiên nằm trên đỉnh đầu, giống như hình dáng của một viên kim cương, kích thước khoảng 5cm. Thóp này thường sẽ đóng lại khi bé đủ 6 tháng tuổi và đóng hoàn toàn khi bé tròn 2 tuổi.
  • Thóp thứ hai nằm ở phía sau đầu, có dáng tam giác và kích thước khoảng 1cm. Ngay sau sinh hoặc khi bé đủ 3 tháng tuổi, thóp này sẽ đóng lại. Tuy nhiên, nó vẫn có thể mở lại khi bé được 2 tuổi để cung cấp một khoảng không gian cần thiết để não phát triển.
hướng dẫn mẹ chăm trẻ sơ sinh
Hãy luôn theo dõi quá trình phát triển của bé để đảm bảo con đang phát triển an toàn

Chức năng của hai thóp này là giúp hộp sọ thay đổi với kích thước phù hợp, giúp bảo vệ và tạo điều kiện cho não bộ phát triển trong năm đầu tiên bé chào đời. Tuy nhiên, nếu thóp liên tục bị phồng lên hay lõm xuống, ba mẹ nên thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa.

Chăm sóc tóc cho trẻ

Chăm sóc tóc là một phần không thể thiếu khi chăm trẻ sơ sinh. Các nang tóc của bé thường sẽ bắt đầu phát triển vào khoảng tuần thứ 14 – 15 của thai kỳ. Tuy nhiên, lúc mới sinh, sẽ có bé có tóc, có bé không có tóc và nó tốn một khoảng thời gian khá lâu để tóc có thể mọc bình thường. Thời gian mọc tóc của mỗi bé sẽ khác nhau, có thể mất 6 tháng hoặc thậm chí là 2 – 3 năm để mọc tóc.

cách chăm sóc em bé mới sinh
Mỗi bé sẽ có quá trình mọc tóc khác nhau nên ba mẹ đừng quá lo lắng

Vào giai đoạn 2 – 3 tháng đầu, đây là giai đoạn tẩy tế bào chết ở da đầu với sự giảm mạnh của những hormone trong thai kỳ, những nang tóc hay tóc đã mọc trước đó có thể sẽ rụng đi. Tuy nhiên, ba mẹ không nên quá lo lắng vì đây chỉ là các biểu hiện sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh. Mẹ có thể giúp tóc bé mọc nhanh và khỏe hơn bằng cách khi bé thức, hãy giữ cho bé nằm ngửa, không nên chải chuốt tóc bé quá thường xuyên, nhất là khi tóc còn đang ướt, không tạo những kiểu tóc bó sát vào đầu cho bé, sử dụng gối êm, có chất liệu thấm hút tốt, thông thoáng cho bé.

Chăm sóc rốn

Trong quá trình chăm sóc bé sơ sinh, việc chăm sóc rốn cho trẻ là điều hết sức quan trọng và cần lưu ý. Mẹ cần theo dõi và chăm sóc rốn cho bé hằng ngày, nếu phát hiện một trong những dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng đưa bé đi khám tại chuyên khoa Nhi ngay:

  • Rốn rỉ nước vàng, có mủ hoặc có mùi hôi.
  • Rốn chảy máu nhiều và không thể cầm được.
  • Vùng da xung quanh rốn bị sưng tấy, đỏ ửng.
  • Rốn có chồi, rỉ nước liên tục và kéo dài.
  • Rốn chưa rụng dù bé đã được 3 tuần tuổi.

Nếu thấy rốn của con có những dấu hiệu bất thường kể trên, mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc gì cho trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Chăm sóc da 

Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và cực kỳ dễ bị tổn thương nên việc chăm sóc cần phải được chú trọng. Để tốt cho bé, ba mẹ hãy bỏ túi cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh dưới đây:

  • Tránh để da của con tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng. Mẹ hãy mua những loại quần áo có chất liệu mềm mịn, cắt bỏ nhãn mác. Giặt đồ của bé bằng xà phòng chuyên dụng dành cho trẻ nhỏ hay cho da nhạy cảm.
  • Thay tã ngay sau khi bé đi tè hay ị. Nên dùng những sản phẩm mềm nhẹ, đã được kiểm chứng lâm sàng để tránh gây kích ứng cho da của bé. Mẹ cũng nên lựa chọn loại tã phù hợp cho con, không nên chọn loại quá rộng hoặc quá chật so với kích cỡ của con.
  • Trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt nên không được để bé tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc những nơi môi trường bị ô nhiễm. Với những sản phẩm chăm sóc da và tóc, nên lựa chọn loại có chất nhẹ dịu, không gây cay mắt.
  • Luôn giữ cho da bé có độ ẩm thích hợp, đặc biệt là khi vào mùa hanh nóng. Mẹ hãy thoa kem dưỡng da ở những vùng da khô, hay bong tróc cho bé. Mẹ cũng nên thường xuyên thay tã cho bé vì thời tiết nóng ẩm có thể khiến da bé bị nấm, nhiễm trùng. Mỗi khi thay tã cho bé, mẹ phải rửa sạch khu vực đeo tã với chất làm sạch dịu nhẹ, không gây kích ứng và lau thật khô cho bé.
  • Tắm cho bé bằng những loại sữa tắm nhẹ dịu, chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh và có độ pH cân bằng phù hợp với làn da của bé.
  • Hãy cho bé tắm nắng mỗi ngày để con có thể hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết cho quá trình phát triển. Phơi nắng sáng sớm còn là cơ hội tốt cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nâng cao sức đề kháng.
quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh 
Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên cần được chăm sóc kỹ càng

Chăm sóc miệng

Chăm sóc miệng hằng ngày sẽ giúp bé tránh được những tác động tiêu cực từ những vi sinh vật trên bề mặt khoang miệng và lưỡi. Đây chính là nguyên nhân khiến miệng bé có mùi hôi khó chịu, làm cản trở khả năng cảm nhận hương vị, dẫn đến tình trạng chán ăn ở trẻ sơ sinh. Hơn nữa, việc chăm sóc khoang miệng tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mọc răng của con sau này.

cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ a đến z
Mẹ có thể vệ sinh miệng cho bé bằng băng gạc thấm nước muối sinh lý

Mẹ nên chú ý việc vệ sinh miệng cho bé, đặc biệt là sau khi cho bé uống sữa và khi bé ngủ dậy. Mẹ có thể quấn gạc quanh ngón trỏ và dùng nước muối sinh lý làm ẩm gạc để vệ sinh miệng cho bé. Sau đó, chạm nhẹ vào phần môi dưới của bé để bé mở miệng ra, mẹ hãy nhẹ nhàng lau vùng nướu và vòm miệng của bé. Cuối cùng, vệ sinh phía gốc lưỡi để loại bỏ toàn bộ cặn sữa cho bé. Hãy thực hiện quá trình này 1-2 lần/ngày.

FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Bên cạnh những thông tin về cách chăm sóc trẻ sơ sinh đã được kể trên, bạn cũng có thể tham khảo một vài thắc mắc phổ biến dưới đây.

Bé mới sinh không cần thiết phải tắm mỗi ngày. Ba mẹ chỉ cần tắm cho bé từ 2-3 lần mỗi tuần là đủ. Còn trong những ngày không tắm, ba mẹ hãy lau sạch vùng da dưới cơ thể của bé và bên trong các nếp gấp da bằng khăn ẩm là được.

 

Có một số dấu hiệu và chỉ số mà mẹ đang chăm sóc em bé có thể quan sát để biết xem lượng sữa mỗi ngày bé bú có đủ hay không, như:

  • Bé thỏa mãn, thư giãn, thoải mái và không còn đòi bú.
  • Bé sẽ đi tiểu ít nhất 6 lần, đi ngoài 3 – 4 lần trong ngày và phân sẽ có màu vàng nhạt. 
  • Số cân nặng, chiều cao của bé tăng ổn định và theo đúng tiến độ tăng cân theo chỉ số của trẻ sơ sinh bình thường.
  • Bé đòi bú ít nhất 8-12 lần trong một ngày. 

Để giữ cho bé đủ độ ấm và thoải mái, ba mẹ cần: 

  • Mặc cho trẻ sơ sinh nhiều lớp quần áo nhẹ và ấm. Hãy chọn những chất liệu như len hoặc vải cotton mềm mại, không gây kích ứng da. 
  • Hãy đeo găng tay, găng chân và mũ cho trẻ khi cần thiết để bé không bị lạnh.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu và phẩm màu để giữ cho da của bé luôn ẩm và mềm mại vào mùa đông.
  • Sử dụng máy sưởi hoặc đặt nhiệt độ phòng ổn định để trẻ không bị lạnh.
  • Kiểm tra và thay tã thường xuyên để tránh việc da bị ướt và lạnh.
  • Massage nhẹ nhàng cơ thể bé sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu và giữ ấm cơ thể.

Mặc dù việc chăm sóc trẻ sơ sinh có thể khiến nhiều ba mẹ cảm thấy chưa quen và áp lực nhưng nó cũng sẽ là trải nghiệm tuyệt vời và khó quên nhất. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ a đến z. Nếu trong quá trình chăm sóc bé gặp khó khăn, ba mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ, người thân hoặc bạn bè để được quan tâm và san sẻ nhé!

thong tin felisa momspa

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)