Tư vấn chuyên môn bài viết BS. CKI. Lê Thảo Nhi Chuyên khoa Da liễu - Bệnh viện Da Liễu TP.HCM
Tháng đầu tiên sau sinh là giai đoạn trẻ chuyển đổi từ môi trường nước trong bụng mẹ sang môi trường không khí ở bên ngoài. Vì thế, vào thời gian này, trẻ sẽ bắt đầu tập thích nghi với môi trường bên ngoài. Sự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi luôn là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Cùng tìm hiểu sự thay đổi của con qua bài viết này nhé!
Mục lục
- 1. Đặc điểm sinh lý ở trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
- 2. Một số đặc điểm về thể chất của trẻ 1 tháng tuổi
- 3. Khám phá sự phát triển ở trẻ 1 tháng tuổi
- 4. Những vấn đề sức khỏe cần lưu ý ở trẻ 1 tháng tuổi
- 5. Lời khuyên dành cho ba mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
- 6. FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về trẻ 1 tháng tuổi
Đặc điểm sinh lý ở trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Ngay khi vừa ra đời, cùng với tiếng khóc chào đời, em bé đã bắt đầu tự thở bằng phổi của mình, lúc này vòng tuần hoàn chính thức bắt đầu hoạt động thay thế cho vòng tuần hoàn nhau thai khi ở trong bụng mẹ. Trẻ bắt đầu bú sữa mẹ, hệ tiêu hóa bắt đầu làm việc, lúc này thận sẽ đảm nhiệm việc điều hòa môi trường bên trong cơ thể, thay thế toàn bộ nhiệm vụ mà nhau thai đảm nhiệm trước đây.
Ở trẻ 1 tháng tuổi, cơ thể của bé vẫn còn rất non nớt, yếu ớt, cấu tạo và chức năng của những cơ quan trong cơ thể cũng chưa được hoàn thiện đầy đủ. Hệ thần kinh luôn trong trạng thái bị ức chế, vì thế trẻ chỉ ngủ suốt ngày.
Ngoài ra, một vài hiện tượng sinh lý có thể xuất hiện trong giai đoạn trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi gồm có:
- Vàng da sinh lý: Trẻ bị vàng nhẹ vùng mặt ngực và không có triệu chứng kèm theo. Hiện tượng xuất hiện vào ngày thứ 3 – 4 sau khi sinh. Trẻ vẫn ăn ngủ, đại tiểu tiện bình thường. Tình trạng này sẽ tự động biến mất khi bé được 10 – 14 ngày.
- Đỏ da sinh lý: Vì mạch máu dưới da phát triển, lớp mỡ dưới da của bé còn mỏng nên khi vận động, vặn mình sẽ xuất hiện hiện tượng da đỏ lên. Nó sẽ tiêu giảm hoặc hết khi bé nằm yên.
- Bong da sinh lý: Thường xuất hiện khi trẻ lúc sinh có thai già tháng.
- Sụt cân sinh lý: Do trẻ bị mất nước qua da, bài tiết nước tiểu và phân su. Sau 7 đến 10 ngày cân nặng của trẻ sẽ về lại số lúc sinh.
- Tăng trương lực cơ sinh lý: Tình trạng này chỉ kéo dài khoảng vài giây, chủ yếu ở tay chân của bé. Trong cơn trẻ vẫn thở bình thường, môi chi hồng. Sẽ tự động hết khi trẻ được khoảng 2,5 tháng tuổi.
- Rụng rốn: Trẻ sẽ rụng rốn sau 7 – 10 ngày sinh
- Giảm chiều cao sinh lý
- Thân nhiệt không ổn định
- Ỉa phân su
Một số đặc điểm về thể chất của trẻ 1 tháng tuổi
Sự phát triển về thể chất của một em bé 1 tháng tuổi sẽ dựa trên nhiều yếu tố cụ thể như sau:
- Cân nặng: Trung bình từ 2,8 – 3 kg lúc bé mới sinh. Nếu số cân dưới 2,5kg được gọi là đẻ non hay suy dinh dưỡng, nhẹ cân bào thai. Số cân trên 4kg trở lên có nghĩa là thai nhi quá to.
Trong 6 tháng đầu tiên, cân nặng của bé sẽ tăng trung bình 700g mỗi tháng. Đây là giai đoạn bé phát triển cực kỳ nhanh. Mỗi tháng, ba mẹ có thể lập biểu đồ cân nặng để theo dõi chính xác hơn sự phát triển của bé.
- Chiều cao: Chiều cao trung bình là 48 – 50cm lúc bé mới sinh. Nếu dưới 45cm được coi là đẻ non. Trong ba tháng đầu tiên, bé có thể tăng thêm được 3,5 cm mỗi tháng.
- Vòng đầu: Kích thước vòng đầu của trẻ là khoảng 34cm
- Vòng ngực: Kích thước vòng ngực của trẻ khoảng 32cm
- Thóp: Thóp trước có kích thước trung bình mỗi chiều là 2cm. Đối với những trẻ bị đẻ non thì kích thước sẽ lớn hơn. Thóp sau của trẻ có hình tam giác và thường kín ngay sau khi trẻ sinh ra.
Khám phá sự phát triển ở trẻ 1 tháng tuổi
Sự phát triển giác quan
Khi cơ thể phát triển, các giác quan cũng phát triển nhạy bén hơn, giúp cho bé dần dần nhận thức được những chuyển động của thế giới xung quanh. Tầm nhìn của trẻ sơ sinh tháng đầu chỉ trong khoảng 20 – 25cm, nhưng con rất thích quan sát mọi thứ xung quanh, đặc biệt là khuôn mặt của ba mẹ, những thứ đang chuyển động hay có màu sắc tương phản cao như màu trắng, đen.
Ở giai đoạn này, bé cũng đã nhận biết được mùi hương của sữa mẹ, nên rất hay đòi ti khi được mẹ bồng bế, âu yếm. Đồng thời, thính giác của bé rất nhạy với âm thanh, nhất là tiếng nói của mọi người hay tiếng động to. Vì thế, ba mẹ hãy cố hạn chế phát ra âm thanh lớn để không khiến bé giật mình và ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
Phát triển khả năng vận động
Khi quan sát sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, ba mẹ có thể nhận thấy con bắt đầu có những hành động như: nắm chặt một vật bất kỳ trong lòng bàn tay, dang hai tay ôm choàng lấy người khi giật mình, hay mẹ chạm vào má bên nào thì môi bé sẽ đưa về hướng đó đòi ngậm bú,… Đây đều là những phản xạ tự nhiên của bé. Song ba mẹ cũng có thể luyện tập kỹ năng phối hợp giữa các bộ phận ở tay cho con bằng những trò chơi cầm nắm hay đọc to tên những bộ phận trên cơ thể cho con ghi nhớ.
Khả năng giao tiếp
Những tiếng cười, tiếng ọ ẹ hoặc tiếng khóc chính là ngôn ngữ mà bé dùng để giao tiếp với ba mẹ và mọi người xung quanh. Đặc biệt, bước qua tuần thứ 2, khi nghe giọng hoặc nhìn thấy ba mẹ, bé sẽ kêu “a a” và đưa mắt kiếm tìm theo phản xạ tự nhiên.
Phát triển về cảm xúc
Bé sơ sinh 1 tháng tuổi đã có thể nhận biết và phấn khích khi nhìn thấy ba mẹ. Bé thậm chí sẽ đá chân, vung tay hoặc cười khanh khách mỗi khi ba mẹ đi đến gần. Một số bé còn phát ra những âm thanh đầu tiên như tiếng “ê a” hay “ư ư” để bày tỏ cảm xúc của mình.
Những vấn đề sức khỏe cần lưu ý ở trẻ 1 tháng tuổi
Không thể phủ nhận rằng bé sơ sinh 1 tháng tuổi còn rất non nớt và cực kỳ dễ mắc phải những vấn đề sinh lý, bệnh lý. Ba mẹ cần hết sức chú ý theo dõi sự phát triển của trẻ, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường trên cơ thể và đưa con đi khám kịp thời.
Một số bệnh lý thường gặp ở bé 1 tháng tuổi có thể kể đến như: uốn ván, bệnh viêm phổi và nhiều vấn đề sức khỏe khác liên quan tới hệ hô hấp và tiêu hóa. Nếu ba mẹ không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể để lại hệ lụy là rất nghiêm trọng. Tốt nhất ba mẹ nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của bé; đồng thời thăm khám, điều trị cho bé khi có những triệu chứng bất thường.
Lời khuyên dành cho ba mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Để giúp bé hoàn thiện dần những kỹ năng, phản xạ và cảm xúc trong tháng đầu tiên, ba mẹ cần lưu ý cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng, cụ thể:
Cho trẻ bú khi đói
Mẹ nên cho bú theo nhu cầu của bé hoặc cho bú ngay khi bé đói. Ở giai đoạn 1 tháng tuổi này, bé nên được cho bú sữa mẹ ít nhất 12 cữ/ngày. Ngoài sữa mẹ, không cho bé ăn hay uống bất cứ thứ gì khác, kể cả nước lọc.
Để trẻ ngủ theo nhu cầu
Thường thì thời gian ngủ của trẻ trong tháng đầu tiên dao động từ 14 – 17 giờ/ngày. Bé sẽ thường ngủ sau khi đã được bú no, tắm mát, thay tã sạch sẽ. Mặc dù việc ngủ đủ giấc rất quan trọng cho sự phát triển của bé, nhưng mẹ đừng ép buộc bé ngủ khi con không muốn hoặc đánh thức con dậy khi đang ngủ ngon. Điều này dễ làm bé khóc đêm và ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển.
Massage cho trẻ
Massage cơ thể và di chuyển chân bé mô phỏng theo động tác đạp xe sẽ giúp cơ bắp của bé được cứng cáp và mạnh mẽ hơn, hỗ trợ vững vàng hơn cho việc bò và bước đi của trẻ sau này.
Tương tác với trẻ thường xuyên
Khi tìm hiểu trẻ 1 tháng tuổi biết làm gì, ba mẹ có thể thấy những giác quan và kỹ năng của con đang dần hoàn thiện hơn. Vì thế, mỗi khi bé thức dậy, ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con, điều này sẽ giúp kỹ năng ngôn ngữ của bé phát triển tốt hơn. Đồng thời ba mẹ hãy chơi cùng bé bằng những món đồ chơi nhiều màu sắc hoặc có thể phát ra âm thanh vui tai như trống, lục lạc,… để tăng cường kỹ năng vận động.
Đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng lịch
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp con tránh khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, ba mẹ nên đưa bé thăm khám bác sĩ nếu thấy con bỏ bú, bú kém, ngủ không ngon giấc hoặc không có phản ứng với giọng nói, âm thanh.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Hãy nhớ rằng, trước khi bế bé, cho bé bú, thay tã hay chăm sóc cho bé,… thì ba mẹ phải luôn rửa tay thật sạch trước nhé.
Cho bé tiếp xúc da với ba mẹ
Bé sẽ cảm thấy được an ủi khi được tiếp xúc da trực tiếp với ba mẹ. Những hành động vỗ về, ôm ấp,… của ba mẹ cũng sẽ giúp bé cảm thấy yên tâm hơn.
FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về trẻ 1 tháng tuổi
Bên cạnh những thông tin về trẻ 1 tháng tuổi đã được kể trên, bạn cũng có thể tham khảo một vài thắc mắc phổ biến dưới đây.
Ba mẹ có thể tạo một không gian ngủ thật yên tĩnh và thoáng mát để bé dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Và hãy đảm bảo rằng bé đã ăn no và tắm rửa sạch sẽ trước khi đi ngủ. Ngoài ra, hãy tạo cho con thói quen ngủ nhất định bằng cách xây dựng một lịch trình ngủ ổn định và tạo điều kiện để bé tự mình chìm vào giấc ngủ. Để sự phát triển của trẻ được diễn ra tốt nhất thường sẽ cần khoảng 60 – 90 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức trong mỗi bữa ăn. Trung bình mỗi ngày bé cần bú khoảng 600 – 900 ml sữa. Chăm sóc rốn đúng cách là một phần rất quan trọng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Ba mẹ phải luôn giữ cho vùng rốn của trẻ được sạch sẽ và khô ráo. Hãy vệ sinh bằng cách lau nhẹ nhàng bằng bông ẩm và dùng thuốc đặc trị riêng cho rốn được khuyến nghị bởi bác sĩ. Ngoài ra, ba mẹ cũng phải thường xuyên thay tã để tránh việc vùng rốn bị ẩm ướt.
Hy vọng qua bài viết này ba mẹ đã có thêm những kinh nghiệm bổ ích về chăm sóc trẻ 1 tháng tuổi. Nhìn chung, mỗi bé khác nhau sẽ có tốc độ phát triển khác nhau nên ba mẹ không cần quá lo lắng khi thấy con chưa thực hiện được như những bạn cùng tuổi khác. Điều quan trọng là hãy chú ý quan sát bé mỗi ngày và chú trọng dinh dưỡng cho bé, nhằm tạo cho con một nền tảng vững chắc để sẵn sàng cho những giai đoạn sắp tới.
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi