Tư vấn chuyên môn bài viết
BS. CKI. Tô Văn Vinh
Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ
Trẻ 2 tháng tuổi sẽ có nhiều sự phát triển về cả cảm xúc lẫn hành động, không còn chỉ ăn ngủ nhiều như tháng thứ nhất. Giai đoạn này ba mẹ có thể quan sát được những sự thay đổi thú vị của trẻ hàng ngày. Cùng tìm hiểu những điều mà một bé 2 tháng tuổi có thể làm và cách chăm sóc bé qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Quá trình phát triển của trẻ 2 tháng tuổi
- 2. Cân nặng trung bình của bé 2 tháng tuổi
- 3. Những đặc điểm phát triển ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
- 4. Những bệnh lý trẻ 2 tháng tuổi thường mắc
- 5. Những điều ba mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
- 6. Khi nào ba mẹ cần đem trẻ đến gặp bác sĩ?
- 7. FAQ – Câu hỏi thường gặp về trẻ 2 tháng tuổi
Quá trình phát triển của trẻ 2 tháng tuổi
Trong khoảng thời gian trẻ 2 tháng tuổi đầu đời là được xem là thời điểm đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ khả năng học tập và tiếp thu của bé. Bố mẹ có thể tận dụng thời gian này để kích thích sự phát triển của bé thông qua việc sử dụng đồ vật màu sắc tương phản, các hoạt tiết nổi bật và thậm chí tham gia vào các trò chơi vận động tay chân phù hợp.
Tuy nhiên, nên thực hiện quá trình này một cách hợp lý và vừa đủ để tránh tình trạng quá tải cho trẻ. Nếu trẻ thể hiện cảm giác khó chịu hay cáu kỉnh vào lúc chơi đùa thì ba mẹ nên dừng lại.
Giai đoạn 2 tháng tuổi, bé đã có thể lật người từ tư thế nằm sấp sang nằm ngửa, vậy nên cha mẹ nên lưu ý đến các biểu hiện và hành vi của bé trong quá trình chơi đùa. Trẻ sẽ phản ứng bằng cách nở nụ cười, từ cười mỉm, cười sảng khoái cho đến cười thích thú. Bạn cũng có thể cho bé soi gương để mang đến những trải nghiệm vui nhộn, thích thú và hữu ích cho quá trình phát triển của bé.
Cân nặng trung bình của bé 2 tháng tuổi
Dù cùng là trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi tuy nhiên bé trai và bé gái thường có sự chênh lệch về chiều cao cũng như cân nặng, dưới đây là chỉ số trung bình của trẻ mà bạn có thể tham khảo:
- Bé gái thường nặng khoảng 5,1kg và dài khoảng 57,1cm
- Bé trai thường nặng khoảng 5,5kg và dài khoảng 58,4cm
Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này chủ yếu tiếp nhận chất dinh dưỡng và năng lượng từ sữa, có thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đối với trẻ uống sữa mẹ, trung bình trong 24 giờ trẻ có thể uống từ khoảng 6 đến 10 lần với tổng thể tích từ 444ml – 946ml. Đối với trẻ sử dụng sữa công thức thì mỗi ngày sẽ uống khoảng 6 lần với mỗi lần uống có thể từ 118ml – 177ml và tổng thể tích sữa hấp thụ mỗi ngày sẽ từ 708ml – 1062ml.
Vào độ tuổi này, hoạt động ruột của bé không quá cao, đôi khi có thể kéo dài lên đến một hoặc hai ngày mà không đi phân. Tuy nhiên ba mẹ không cần quá lo lắng vì điều này là do ruột trẻ đang phát triển và giúp giữ chất tải trong thời gian lâu hơn.
Những đặc điểm phát triển ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Về giấc ngủ
Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi cần thời gian ngủ ổn định hàng ngày, trung bình các bé sẽ ngủ khoảng 15 đến 17 tiếng. Vào ban ngày, trẻ có thể có 3 – 4 giấc ngủ ngắn và tổng thời gian ngủ có thể lên đến 6 – 7 tiếng, giấc ngủ đêm sẽ rơi vào khoảng 8,5 – 10 tiếng.
Bắt đầu từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 8, trẻ thường có xu hướng ngủ nhiều hơn vào ban đêm và tỉnh táo vào ban ngày. Một vài bé sẽ cảm thấy buồn ngủ chỉ 30 phút sau mỗi bữa ăn, ba mẹ nên lưu ý đến thói quen này để giúp bé duy trì thói quen và tránh rối loạn giấc ngủ.
Về phản xạ
Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 đã phát triển khả năng vận động phối hợp cả tay và chân, khiến cho bé thích thú tìm hiểu thế giới xung quanh, cơ thể linh hoạt hơn và không thích nằm im nữa. Bé có thể xòe và nắm bàn tay để túm lấy đồ vật gần mình và thường bắt gặp nhất là bé đưa tay lên miệng. Thời điểm này, cổ và đầu của bé cũng đã cứng cáp hơn, bé có thể ngẩng đầu cao khi nằm sấp hoặc nằm nghiêng đầu sang hai bên một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng sẽ ấn tượng với khả năng bắt chước tài tình của bé, một số bé có thể nghiêng đầu sang hai bên khi được đặt nằm sấp, cố gắng lật người, đẩy lên cao bằng cách đạp chân hoặc cười vui vẻ như người lớn.
Em bé ở tháng thứ 2 cũng bắt đầu có phản ứng tốt với âm thanh nghe được. Bé sẽ chăm chú nhìn theo cử động miệng khi ba mẹ nói, chóp chép miệng hoặc phát ra một vài âm thanh “a a, ê ê, ou ou”. Vậy nên, ba mẹ hãy thường xuyên trò chuyện, hát hoặc kể cho bé những câu chuyện ngắn để kích thích phản ứng của con nhé.
Cũng trong thời điểm này, cha mẹ sẽ thấy bé phun nước bọt nhiều hơn, đây không chỉ là một thói quen vô thưởng vô phạt của bé mà nó là một dấu hiệu quan trọng của sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi bé phun nước bọt là dấu hiệu cho thấy bé đang sử dụng cơ miệng và cố gắng kiểm soát âm thanh trong cổ họng, đây chính là nền tảng cho việc học các kỹ năng mô phỏng âm thanh khác nhau của bé trong tương lai.
Về giác quan
Em bé 2 tháng tuổi cũng đã phát triển các giác quan, cụ thể như sau:
- Thị giác: Từ tháng thứ 2, mắt bé đã mở to hơn và có khả năng quan sát các vật ở khoảng cách xa hơn so với lúc mới sinh và bé có xu hướng thích ngắm nhìn các vật di chuyển xung quanh. Mặc dù ở giai đoạn này bé chỉ nhìn thấy thế giới xung quanh bằng hai màu trắng và đen, nhưng nếu ba mẹ sử dụng đồ chơi nhiều màu sắc sẽ giúp kích thích sự phát triển thị giác của bé.
- Thính giác: Thời điểm này bé đã trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh từ môi trường xung quanh. Trẻ thấy thích thú khi nghe giọng nói của cha mẹ và âm thanh từ các đồ vật xung quanh tuy nhiên bé sẽ dễ giật mình bởi các tiếng ồn, tiếng động lớn.
- Vị giác và khứu giác: Một điều đặc biệt là ở 2 tháng tuổi các bé đã có khả năng nhận biết mùi hương của mẹ, người gần gũi nhất với bé từ khi mới sinh ra, mùi hương này sẽ mang đến cho bé cảm giác an toàn và giúp bé dễ ngủ hơn. Còn đối với vị giác, bé thường ưa thích vị ngọt và không thích vị đắng.
- Xúc Giác: Bé vẫn còn hạn chế trong khả năng tiếp cận và sờ nắm đồ vật, vậy nên cha mẹ hãy tạo điều kiện cho bé tự cầm và sờ đồ vật với các chất liệu khác nhau. Bên cạnh đó, ba mẹ hãy thường xuyên vỗ về và ôm ấp để phát triển xúc giác cho bé.
Những bệnh lý trẻ 2 tháng tuổi thường mắc
Trẻ sơ sinh đề kháng còn yếu nên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ môi trường. Dưới đây là một vài bệnh lý thường gặp ở trẻ 2 tháng mà ba mẹ cần lưu ý:
- Ho: Ho ở bé sơ sinh 2 tháng tuổi có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng khác nhau như hen suyễn, cảm lạnh hoặc thậm chí viêm phổi. Để tránh tình trạng này, cha mẹ nên lưu ý giữ ẩm cho trẻ đặc biệt là ở vùng ngực, cổ, lưng và bàn chân. Tránh để trẻ nằm dưới hướng gió của điều hòa vào mùa đông và nên điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.
- Hắt hơi: Đường hô hấp của trẻ dễ bị kích ứng bởi bụi bẩn, lông chó mèo, hoa hoặc nước hoa. Phụ huynh nên vệ sinh nhà cửa và đồ dùng của bé thường xuyên, tránh để thú cưng đến gần bé. Nếu hắt hơi kéo dài và đi kèm với sổ mũi, cha mẹ nên đưa bé đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.
- Tưa miệng: Nấm Candida albicans hoặc virus là nguyên nhân chính gây tưa miệng, để ngăn chặn tình trạng này cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh răng miệng cho bé theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Trào ngược dạ dày: Dạ dày của em bé 2 tháng tuổi vẫn còn nhỏ và chưa hoàn thiện nên có thể dẫn đến khả năng trào ngược dạ dày sau khi ăn, tình trạng này sẽ cải thiện sau 6 tháng. Nếu trẻ có triệu chứng như quấy khóc, sụt cân, viêm phổi tái phát,… thì ba mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị.
- Mụn trứng cá: Mụn trứng cá, bong tróc da và phát ban là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ba mẹ có thể sử dụng xà phòng hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để điều trị tình trạng này. Nếu bé hay chảy nước miếng và phát ban gần vùng da đó thì hãy đặt một chiếc yếm để bảo vệ da của bé.
- Tắc tuyến lệ: Nhiều trẻ sơ sinh thường bị chảy nước mắt do tắc tuyến lệ, tuy nhiên việc này không đáng lo ngại trừ khi mắt bị nhiễm trùng. Nếu bạn thấy mắt bé có dấu hiệu bị viêm sưng hay tiết dịch màu vàng từ mắt thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được kê thuốc điều trị.
- Hăm tã: Hăm tã là vấn đề phổ biến ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, ba mẹ chỉ cần dùng kem dưỡng ẩm cho bé và tình trạng này sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày. Để ngăn ngừa hăm tã, ba mẹ hãy thay tã cho bé thường xuyên và hạn chế thời gian mặc tã cho bé càng ít càng tốt.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Sức đề kháng của trẻ 2 tháng tuổi vẫn còn yếu và chưa phát triển hoàn toàn nên bé dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, cảm cúm hay nghẹt mũi. Sử dụng thuốc thường xuyên không tốt cho sức khỏe của bé trong giai đoạn này vậy nên thay vào đó ba mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc dụng cụ hút mũi làm giảm tình trạng nghẹt mũi và làm cho bé dễ chịu hơn.
- Viêm da cơ địa ở trẻ: Đây là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ và thường đi kèm với các triệu chứng như ban ngứa và mụn nhỏ chứa dịch. Bệnh thường bắt đầu từ mặt rồi lan ra toàn thân, gây khó chịu cho bé. Thường thì tình trạng này sẽ hết khi bé đạt 18 tháng tuổi. Để giảm nhẹ các triệu chứng này, bạn có thể bôi dưỡng ẩm lên da bé sau khi tắm và đặt một máy phun sương làm ẩm trong phòng. Nếu đã thực hiện đầy đủ các hành động trên mà tình trạng viêm da vẫn không cải thiện thì hãy đưa bé đi thăm bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Những điều ba mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Để giúp trẻ phát triển toàn diện, dưới đây là một số điều ba mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ:
Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
Càng lớn trẻ sẽ càng có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn trước đó, ba mẹ nên theo dõi để đảm bảo cung cấp lượng sữa cần thiết cho bé cả ngày và đêm. Thường thì bé sẽ có khoảng 4 – 5 cử ăn mỗi ngày và mỗi lần cách nhau khoảng 2,5 đến 3 giờ. Mẹ nên giảm dần thời gian bú đêm của trẻ, thay vào đó cho trẻ bú sữa nhiều hơn vào ban ngày.
Giấc ngủ của trẻ
Trẻ sơ sinh chưa thể phân biệt được ngày và đêm nên ba mẹ có thể giúp bé làm quen bằng cách tắt điện khi bé ngủ vào buổi tối và bật điện vào ban ngày. Ngoài ra có thể tập cho thói quen ngủ cho bé bằng cách đặt vào nôi khi thấy bé buồn ngủ và hát ru, mở nhạc, vỗ mông hay gãi đầu để bé thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Bên cạnh đó, hãy tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thoáng đãng với ánh sáng nhẹ để bé rơi vào giấc ngủ sâu.
Tiêm chủng vaccine đúng lịch
Để bảo vệ sức khỏe trẻ toàn diện, ba mẹ nên lưu ý tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi cần được tiêm các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh như uốn ván, bạch hầu, bại liệt, ho gà, viêm não do Hib (6 trong 1) hay viêm gan B.
Hãy ghi nhớ và nắm rõ lịch tiêm chủng và đưa bé đến trung tâm y tế để tiêm phòng đầy đủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Thường xuyên tương tác với trẻ
Hát cho bé nghe là một phương pháp tuyệt vời để kích thích khả năng nghe hiểu ngôn ngữ của bé từ sớm, ba mẹ có thể thử thay đổi giọng điệu và quan sát xem bé có phản ứng với âm nhạc của bạn không.
Bạn có thể thu hút sự chú ý của bé bằng cách sử dụng đồ chơi nhiều màu sắc hoặc thú nhồi bông, lắc đồ chơi trong tầm mắt của bé cũng sẽ giúp phát triển khả năng quan sát và nhận biết vật thể xung quanh.
Ba mẹ cũng có thể chọn những cuốn sách với hình ảnh sáng tạo và màu sắc để đọc cho bé nghe. Trong khi đọc, hãy chỉ vào hình ảnh và mô tả chúng cho bé nghe để giúp bé tập trung, quan sát và phát triển nhận thức cho trẻ từ giai đoạn sớm.
Massage cho trẻ
Thực hiện những động tác massage nhẹ nhàng ở cánh tay, bàn chân và bụng không chỉ giúp bé thư giãn mà còn tăng cường tuần hoàn máu và phát triển cơ bắp. Massage cho bé thường xuyên cũng là cơ hội để ba mẹ tạo sự tương tác với con trẻ.
Vỗ về khi trẻ quấy khóc
Đôi khi trẻ quấy khóc là do tã ướt, đói bụng hoặc là dấu hiệu của các vấn đề khác về sức khỏe như hội chứng colic hoặc rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng mà hãy thử sử dụng các phương pháp như đồ chơi yêu thích của bé hoặc hát hò, mở nhạc nhẹ để làm dịu tinh thần cho bé.
Giữ an toàn cho trẻ
Em bé 2 tháng tuổi đã bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, trẻ có động thái tò mò và tinh nghịch hơn. Cha mẹ cần đảm bảo đã dọn dẹp tất cả các đồ vật nhỏ, vật cứng nhọn hay đồ chơi khỏi tầm với của bé và tránh để bé tiếp xúc với các bề mặt góc cạnh và sắc nhọn để tránh tai nạn, rủi ro không mong muốn. Nếu nhà có thú cưng thì nên hạn chế cho chúng tiếp xúc với bé vì hệ miễn dịch vẫn còn yếu, dễ bị dị ứng hoặc bị nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng.
Chống hăm tã
Trung bình khoảng 1 – 2 tiếng, ba mẹ nên thay tã cho bé để ngăn ngừa tình trạng hăm tã. Hãy sử dụng nước ấm và dùng khăn lau nhẹ nhàng cho khu vực mặc tã nhằm hạn chế kích ứng cho bé. Bên cạnh đó, ba mẹ có thể cho bé “thả rông” vào một vài tiếng trong ngày để tạo cảm giác dễ chịu và hạn chế tình trạng hăm tã.
Lựa chọn cũi cho trẻ
Cũi hay nôi là nơi bé dành nhiều thời gian ngủ, nghỉ ngơi và sinh hoạt vậy nên hãy đảm bảo đây là nơi an toàn nhất cho bé. Hãy lựa chọn cũi có bề mặt nhẵn, không có góc sắc và không có phần nào có thể gây nguy hiểm cho bé. Nệm bên trong cũng cần phải vừa với cũi, không nên lớn hơn mà cũng không nên nhỏ hơn kích thước cũi quá nhiều.
Bên cạnh đó, chỉ cần đặt bé nằm ngửa trên nệm mà không cần thêm bất kỳ đồ vật nào khác như gối, chăn hoặc đồ chơi để tránh nguy cơ gây nguy hiểm cho bé trong khi ngủ.
Tiếp nhận và chọn lọc lời khuyên
Chắc hẳn trong quá trình chăm sóc bé, cha mẹ sẽ nhận được nhiều lời khuyên từ mọi người xung quanh. Cha mẹ có thể lắng nghe và tôn trọng tuy nhiên không nhất thiết lúc nào cũng phải nghe theo mà không cân nhắc và kiểm tra kỹ càng. Nếu gặp vấn đề về sức khỏe thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên gia để có thông tin chính xác nhất cho việc chăm sóc bé trong giai đoạn này.
Khi nào ba mẹ cần đem trẻ đến gặp bác sĩ?
Hai tháng tuổi là thời điểm phát triển quan trọng của trẻ mà cha mẹ luôn phải quan tâm chú ý. Quá trình này không phải lúc nào cũng diễn ra như mong đợi vậy nên ba mẹ cần phải nhận biết các dấu hiệu không bình thường để có thể đưa đến gặp bác sĩ và có phương pháp điều trị phù hợp:
- Bé bú ít đi hoặc mãi không tăng cân
- Bé không hứng thú, không phấn khích và thậm chí không nhận ra người thân
- Không quan sát hoặc không phản ứng khi nghe âm thanh, không đưa mắt nhìn theo tay mẹ khi mẹ chuyển động trước mắt bé
- Bé khó nhấc đầu lên khi được ôm lên vai hay lên ngực
Hãy lưu ý rằng mỗi bé đều có thể trạng và sự phát triển khác nhau, vậy nên nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khiến bạn lo lắng thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia.
FAQ – Câu hỏi thường gặp về trẻ 2 tháng tuổi
Cha mẹ có thể sử dụng gạc răng miệng cùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch rơ lưỡi nhẹ để làm sạch răng lưỡi cho bé. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng thuốc kháng nấm đặc biệt là cho trẻ dưới 1 tuổi. Nên thực hiện động tác rơ lưỡi một cách nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương niêm mạc của trẻ.
Nếu trẻ bỗng dưng lười bú hay lười ăn thì ba mẹ có thể thử một số cách sau:
- Đem bé đi khám để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe bé đang gặp và điều trị
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ để tránh sữa mẹ có vị lạ
- Tăng cử bú cho trẻ
- Tham khảo các tư thế cho trẻ bú đúng cách
- Thay bình sữa nếu trẻ bú bằng bình
Cách đơn giản nhất để xác định bé đã uống đủ sữa chưa là quan sát tần suất đi tiểu, ít nhất 6 lần một ngày, màu sắc nước tiểu và sự thoải mái của bé sau khi ăn. Phụ huynh cũng nên lưu ý rằng dùng đủ lượng sữa không quyết định vóc dáng của bé.
Trẻ 2 tháng tuổi là thời điểm phát triển quan trọng đối với trẻ, vậy nên ba mẹ hãy đặc biệt quan tâm và lưu ý trong quá trình chăm sóc em bé của mình. Đừng bỏ lỡ những bài viết khác của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích về cách chăm sóc con trẻ theo từng giai đoạn nhé!
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi