Tư vấn chuyên môn bài viết
BS. CKI. Lê Thảo Nhi
Chuyên khoa Da liễu - Bệnh viện Da Liễu TP.HCM
Mụn đá là loại mụn không gây đau nhức, sưng viêm như những loại mụn thông thường. Loại mụn này cả nam và nữ đều có thể mắc phải và nếu không có phương pháp điều trị thích hợp sẽ gây ngứa rát và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vậy có cách nào điều trị loại mụn này hay không? Đọc ngay bài viết dưới đây để biết nguyên nhân và cách điều trị mụn đá nhé!
Mục lục
- 1. Mụn đá là gì?
- 2. Nguyên nhân nào gây hình thành mụn đá, mụn thịt trên da
- 3. Dấu hiệu nhận biết mụn đá
- 4. Những ai có nguy cơ cao bị mụn đá
- 5. Mụn đá liệu có gây biến chứng hay không?
- 6. Phương pháp điều trị mụn đá
- 7. Cách điều trị mụn đá tại nhà
- 8. Những điều cần lưu ý khi trị mụn đá
- 9. FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về mụn đá
Mụn đá là gì?
Mụn đá (Syringomas) hay còn được gọi là mụn thịt, mụn cơm, mụn gạo,… là một dạng u tuyến mồ hôi xuất hiện trên da do bị ứ đọng Keratin lâu ngày trong các lỗ chân lông. Tình trạng này sẽ làm xuất hiện các nốt, chấm nổi trên bề mặt da, sờ vào có cảm giác cứng nên chúng được gọi là mụn đá.
Loại mụn này xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, phổ biến nhât là ở vùng mắt, má, môi và cổ, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 25-30 tuổi. Nó không gây đau đớn, nguy hiểm nhưng khi xuất hiện nhiều sẽ dẫn đến da bị sần sùi, mất thẩm mỹ. Một số trường hợp khác, mụn có thể gây ngứa ngáy khó chịu khi cơ thể hoạt động và tiết mồ hôi nhiều.
Nhân mụn đá thường có màu trùng với màu da tuy nhiên nếu không can thiệp và điều trị phù hợp, lâu dần mụn sẽ phát triển thành nhân màu vàng sẫm hoặc màu trắng lộ rõ trên da. Đặc biệt là cồi mụn này nằm sâu dưới da, rất khó để tự đào thải ra ngoài.
Nguyên nhân nào gây hình thành mụn đá, mụn thịt trên da
Hiện nay một số nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây mụn đá. Tuy nhiên có một vài ý kiến cho rằng do sự ma sát trên bề mặt da hoặc do những bệnh về da liên quan đến collagen, mạch máu,… cụ thể như sau:
Nguyên nhân trực tiếp
Một số nghiên cứu cho thấy collagen là mạng lưới nằm dưới lớp biểu bì, có vai trò quan trọng trong việc tạo nên hình thái của da.
Trong quá trình làm việc và sinh hoạt hằng ngày, có nhiều nguyên nhân làm cho cơ thể bị rối loạn hệ thống sắc tố collagen. Từ đây tạo điều kiện thuận lợi cho những u tuyến mồ hôi lành tính Syringomas phát triển. Kết hợp giữa quá trình collagen bị tăng trưởng bất thường và rối loạn tuyến mồ hôi làm thúc đẩy hình thành những nốt mụn đá sần sùi, nhất là ở những vùng da nhạy cảm, cơ địa yếu.
Nguyên nhân gián tiếp
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp thì chế độ sinh hoạt không lành mạnh cũng là nguyên nhân gián tiếp gây nên mụn đá. Cụ thể:
- Ăn uống thất thường, không đủ chất và lạm dụng chất kích thích: rượu, bia, thuốc là,.. hoặc do thức khuya, thiếu ngủ.
- Căng thẳng kéo dài gây suy giảm sức đề kháng của da, khiến da lão hóa sớm.
- Người có cân nặng quá tải hoặc mắc bệnh tiểu đường.
- Da dầu gây bít tắc lỗ chân lông, da không đào thải được hết chất nhờn và tế bào chết, lâu ngày dẫn đến hình thành mụn.
Dấu hiệu nhận biết mụn đá
Một số người thường nhầm lẫn mụn đá với những bệnh lý khác trên da. Điều này dẫn đến việc nhiều người chủ quan tự điều trị sai cách, lâu ngày làm da bị ảnh hưởng và kéo dài thời gian điều trị. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể nhận biết mụn đá trên da bằng mắt thường:
- Da xuất hiện những nốt nhỏ li ti, sần sùi, cứng, mọc thành từng cụm trên bề mặt da mà không gây ra cảm giác đau rát, khi có lực tác động vào sẽ bị ửng đỏ.
- Mụn sẽ không chứa dịch bên trong, theo thời gian sẽ lan dần sang những vùng da lân cận.
- Vùng da bị mụn đá lâu ngày sẽ bị sần sùi, đen sạm và khô hơn bình thường.
- Khác với những loại mụn khác (mụn viêm, mụn đầu trắng,…) loại mụn này không có khả năng biến mất hay thuyên giảm nếu như không được can thiệp điều trị.
Những ai có nguy cơ cao bị mụn đá
Đối tượng có thể bị mụn đá không giới hạn độ tuổi hay giới tính, bất kỳ ai cũng có thể mắc loại mụn này. Tuy nhiên, từ nguyên nhân gây mụn thì một số đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ bị mụn đá trên da cao hơn người khác, cụ thể:
- Người bị béo phì, thừa cân.
- Người bị rối loạn nội tiết tố (Phụ nữ mang thai,…).
- Người có sự thay đổi hormone đáng kể (Trẻ em bước vào giai đoạn dậy thì,…).
- Người có cơ địa da dầu, đổ mồ hôi nhiều.
- Người thường xuyên tiếp xúc với sóng điện từ hoặc tia UV
- Những người bị rối loạn chuyển hóa, kháng insulin (Người bị bệnh đái tháo đường,…)
- Người ăn uống thiếu chất, không khoa học, ăn nhiều đồ dầu mỡ và cay nóng.
- Người thường xuyên căng thẳng và stress.
Mụn đá liệu có gây biến chứng hay không?
Đa số các mụn đá trên da đều là những khối u vô hại, lành tính và không có bất kỳ triệu chứng gì. Nhưng một số trường hợp lại có những triệu chứng như đau, ngứa, đổ mồ hôi. Trong những trường hợp đó, bạn nên hỏi ý kiến từ bác sĩ da liễu để có được sự tư vấn, thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Bên cạnh đó, mụn đá không tự biến mất mà sẽ ngày càng lan rộng ra theo thời gian, khiến dùng da đó trở nên sần sùi và mất thẩm mỹ. Đây cũng là biến chứng khiến nhiều người khó chịu nhất của mụn đá và muốn điều trị dứt điểm mụn đá, kể cả khi chúng không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ.
Phương pháp điều trị mụn đá
Y học ngày càng hiện đại nên có rất nhiều phương pháp điều trị mà không gây hại đến sức khỏe hay để lại biến chứng nguy hiểm. Vậy nên hãy lựa chọn phương pháp điều trị mụn đá phù hợp để loại bỏ những nốt mụn sần sùi trên da, lấy lại làn da mịn màng.
Điều trị bằng thuốc
Có một vài nhóm thuốc uống và bôi ngoài da có khả năng phá hủy mô của nốt thịt sần sùi và kích thích sản sinh tái tạo da mới. Phương pháp này được nhiều người ưu tiên sử dụng vì nó an toàn, không gây tổn thương mô hay nhiễm trùng, tuy nhiên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cần có sự chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.
Có 2 nhóm thuốc phổ biến thường được bác sĩ kê đơn là: Atropine tại chỗ và Retinoid (dạng uống hoặc bôi). Ngoài ra, một số loại kem bôi có chứa thành phần tự nhiên như hạt mơ, bơ hạt mỡ,… cũng có tác dụng làm giảm khả năng phát triển của các nốt mụn đá.
Lưu ý, đối với mẹ bầu muốn sử dụng những loại thuốc này để trị mụn đá thì cần có sự cho phép và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa trong quá trình điều trị.
Điều trị bằng thủ thuật, xâm lấn
Mụn xuất hiện quá dày đặc mà phương pháp bôi thuốc lại không hiệu quả thì bạn có thể tham khảo các phương pháp điều trị xâm lấn bằng thủ thuật dưới đây:
- Đốt mụn bằng nitơ lỏng
- Điều trị bằng lazer hoặc đốt điện
- Phẫu thuật cắt bỏ mụn đá
Mỗi phương pháp điều trị trên sẽ có ưu điểm và nhược điểm khác nhau vì vậy chi phí cũng khác nhau. Vì vậy, hãy đến cơ sở da liễu uy tín để được tư vấn phương pháp phù hợp với tình trạng của mình và đảm bảo chất lượng điều trị nhé.
Cách điều trị mụn đá tại nhà
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Có một vài cách để tự điều trị mụn đá hiệu quả, có thể thực hiện ngay tại nhà. Để điều trị hết loại mụn này, đầu tiên bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống lành mạnh. Đây không chỉ là cách ngăn mụn đá mà còn là cách ngăn ngừa những loại mụn khác. Một vài thói quen sinh hoạt giúp cải thiện tình trạng bị mụn đá như sau:
- Thực hiện vệ sinh da sạch sẽ (bằng nước tẩy trang, sữa rửa mặt). Có thể sử dụng nước muối sinh lý để tăng hiệu quả làm sạch da mặt.
- Tẩy da chết định kỳ từ 1-2 lần/tuần.
- Không tự ý nặn mụn bằng tay.
- Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài nắng và che chắn cho da cẩn thận.
- Thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế những đồ ăn dầu mỡ và cay nóng, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất,… và đừng quên uống đủ nước.
- Hạn chế sử dụng những chất kích thích như thuốc lá, cà phê, bia rượu,…
- Nghỉ ngơi điều độ, tập thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở và những vật dụng thường xuyên tiếp xúc với da như khăn lau, vỏ gối,…
- Hạn chế sử dụng những đồ điện tử liên tục vì ánh sáng xanh có thể làm tổn thương da.
- Tập luyện thể thao thường xuyên hoặc làm những việc yêu thích để giải tỏa căng thẳng.
Trị mụn bằng tỏi
Bên cạnh việc thay đổi thói quen sinh hoạt thì có thể kết hợp sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên có sẵn trong nhà để trị mụn đá.
Tỏi là nguyên liệu có tính kháng khuẩn cao và có khả năng trị mụn tốt nên có thể sử dụng tỏi để trị mụn đá như sau:
- Giã nhuyễn 1-2 tép tỏi tươi
- Đắp vào vùng da bị mụn đá trong vòng 15 phút
- Sau đó rửa sạch lại với nước ấm. Sử dụng phương pháp này đều đặn giúp điều trị mụn rất tốt.
Trị mụn bằng trà xanh
Tiếp đến là cách trị mụn đá hiệu quả và dễ làm tại nhà bằng trà xanh. Trà xanh không chỉ có công dụng giải nhiệt mà thành phần trong trà xanh còn giúp trị mụn, kháng viêm, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa da hiệu quả.
Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch 150 gr lá trà xanh bằng nước muối.
- Giã nát lá trà xanh đã rửa sạch và đun sôi trà cùng nước sạch khoảng 15 phút.
- Sau đó lọc lấy nước và dùng tăm bông chấm nước trà lên nốt mụn đá 2 lần mỗi ngày đến khi mụn biến mất.
Trị mụn đá bằng chuối xanh
Chuối xanh là trái cây có tính hàn, có công dụng trong việc làm lành vết thương, hỗ trợ giảm viêm nhiễm.
Cách trị mụn đá bằng chuối xanh:
- Lột chuối khỏi vỏ và xay nhuyễn.
- Đắp hỗn hợp chuối đã xay nhuyễn lên vùng da bị mụn.
- Thư giãn khoảng 20’ và rửa sạch lại mặt với nước ấm. Nên thực hiện phương pháp này từ 2-3 lần/tuần để cảm nhận hiệu quả rõ rệt.
Lưu ý, những phương pháp dân gian này chưa được kiểm chứng và có thể không phù hợp với cơ địa một số người, vì vậy hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.
Những điều cần lưu ý khi trị mụn đá
Để có thể điều trị mụn đá hiệu quả, không tái phát, bạn cần nhớ những lưu ý sau:
- Không tự nặn mụn đá: Theo bác sĩ da liễu, bạn không được tự chích nặn mụn đá, vì nó có thể khiến tổn thương da, nhiễm trùng, và lây lan mụn ra những vùng da khác.
- Tránh trang điểm thường xuyên: Mỹ phẩm trang điểm thường có nhiều hoá chất gây hại và việc thường xuyên trang điểm sẽ khiến da bị kích ứng, tổn thương. Vì vậy bạn nên hạn chế tối đa việc này, nhất là trang điểm trên những vùng bị mụn đá.
- Hạn chế tiếp xúc với tia UV: Tia UV của ánh nắng mặt là tác nhân gây tổn thương trực tiếp lên các nốt mụn. Vì thế, bạn cần chăm chỉ dùng kem chống nắng, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thực hiện che chắn vật lý để bảo vệ làn da trước tác động của tia UV.
- Ăn uống khoa học, lành mạnh: Chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị mụn đá và hạn chế tái phát mụn. Theo các chuyên gia da liễu, bạn nên bổ sung các vitamin, dinh dưỡng từ trái cây, rau củ để giảm và ngừa mụn đá.
- Giảm căng thẳng, stress: Đây là một trong những nguyên nhân khiến da bị tổn thương và khiến việc điều trị mụn chậm hiệu quả hơn. Vì vậy, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng trong quá trình điều trị mụn.
FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về mụn đá
Mụn đá là khối u lành tính không gây ảnh hưởng đến sức khỏe gì nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mụn có thể gây đau, nhức, ngứa ngáy và chuyển sang sẫm màu. Dấu hiệu này cho thấy mụn có thể đang bị nhiễm khuẩn và có thể bị viêm nhiễm bất cứ lúc nào. Vậy nên cần chăm sóc mụn đá đúng cách để bảo vệ những vùng da đang khỏe mạnh xung quanh.
Mụn đá thường không đem đến cảm giác đau nhức hay triệu chứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trường hợp mụn bị đau, ngứa bất thường thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được xem xét và điều trị kịp thời.
Không nên tự nặn mụn đá tại nhà, vì nếu thao tác sai cách sẽ khiến vùng da bị mụn tổn thương và có thể làm mụn lây lan sang vùng da khác. Đặc biệt, mụn đá ở những vùng da quanh mắt khi nặn sẽ rất đau, vì vậy hãy đến cơ sở uy tín để được thực hiện nặn mụn đảm bảo an toàn, chuẩn y khoa.
Bài viết trên đã cung cấp cho mọi người những thông tin hữu ích về mụn đá. Hy vọng qua bài viết này mọi người đã nắm được nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và những phương pháp điều trị mụn đá hiệu quả.
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi