Hướng dẫn chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà chuẩn khoa học

chăm sóc mẹ và bé sau sinh

BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ

Sau khi vượt cạn, các mẹ bỉm sau sinh gần như kiệt sức và gặp phải khá nhiều vấn đề trong giai đoạn hậu sản. Ngoài ra, chăm sóc bé trong những tuần đầu tiên cũng là một khó khăn nếu không có kinh nghiệm. Chăm sóc mẹ và bé sau sinh cần phải đảm bảo khoa học và phù hợp thể trạng cá nhân. Tham khảo cẩm nang chăm sóc từ FELISA MOMSPA ngay dưới đây .

Chăm sóc mẹ sau sinh

Theo dõi các dấu hiệu về sản dịch

Sau khi sinh, người mẹ sẽ ra sản dịch, tính chất bình thường của sản dịch có màu đỏ như kinh nguyệt, có mùi tanh nồng, kéo dài khoảng 7 ngày. Sau đó sẽ ít dần, sản dịch chuyển sang màu hồng nhạt, có thể hết hẳn sau 4 tuần.

Kinh nguyệt của mẹ có thể trở lại sau 4 tuần sau khi sinh, máu ra cũng sẽ như kinh nguyệt thường kỳ.

Sau khi có kinh nguyệt, mẹ bỉm nên chú ý dùng biện pháp tránh thai khi có thể quan hệ vì rất dễ có thai sớm sau sinh.

chăm sóc mẹ bỉm
Mẹ bầu nên thường xuyên theo dõi thường xuyên các dấu hiệu về sản dịch

Vệ sinh tầng sinh môn và vết mổ

Vệ sinh tầng sinh môn là điều rất quan trọng khi chăm sóc mẹ sau sinh thường. Cần phải vệ sinh vùng kín mỗi ngày bằng nước đun sôi để nguội 3 lần/ngày, nhất là sau khi đại, tiểu tiện. Lưu ý rửa nhẹ nhàng theo hướng từ trước ra sau, tuyệt đối không thụt sâu vào trong, sau đó dùng khăn mềm lau khô, thay băng vệ sinh thường xuyên.

Ngoài ra, để giảm sưng đau mẹ cũng có thể dùng túi đá lạnh để áp vào vùng tầng sinh môn. Nếu có phù nề, tụ máu thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xử lý đúng cách. Với những mẹ sinh thường cần rạch tầng sinh môn, vết rạch sẽ khá đau nhưng sẽ nhanh lành, sau khoảng 1 tuần là có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.

Đối với vết mổ của mẹ bỉm, mẹ cần giữ gìn và tránh tác động gây nhiễm trùng vết mổ.

Cần lưu ý rằng cơn đau tầng sinh môn kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn trong vài tuần đầu sau khi sinh có thể liên quan đến các triệu chứng trầm cảm, đau tầng sinh môn kéo dài, các vấn đề về sinh hoạt hàng ngày và khó khăn về tâm lý tình dục.

chăm sóc vết mổ sau sinh
Cần vệ sinh vết mổ tránh bị nhiễm trùng

Không mặc quần áo chật, bó sát

Thêm vào đó, mẹ hãy lựa chọn mặc những quần áo rộng rãi, thoáng mát, nếu dùng nịt ngực thì phải nới rộng. Nếu mẹ sinh vào mùa hè nóng bức thì nên mặc áo thấm hút mồ hôi. Quần lót phải được thay thường xuyên, giặt sạch mỗi ngày và sau khi giặt nên phơi đồ dưới ánh nắng to hoặc ủi sạch.

chăm sóc mẹ bỉm
Mẹ sau sinh nên hạn chế mặt các loại quần áo quá chật đẻ giúp máu được lưu thông nhanh chóng

Chăm sóc việc vệ sinh cá nhân

Sau khi sinh, sự ảnh hưởng của bài niệu oxytocin làm bàng quang của mẹ rất nhanh đầy. Thậm chí một số trường hợp còn bị trống bàng quang do ảnh hưởng bởi thuốc mê – tê khi sinh do cắt, rạch hoặc tụ máu ở tầng sinh môn. Do đó, mẹ rất dễ bí tiểu sau sinh hoặc là tăng trương lực ở bàng quang. Vậy việc vệ sinh cá nhân cần được chú trọng khi chăm sóc mẹ sau sinh.

Tình trạng bí tiểu thường dễ xảy ra nếu như thời gian mẹ chuyển dạ lâu hoặc sinh con có can thiệp. Nếu bí tiểu kéo dài nhưng ít đau thì mẹ nên đi lại nhiều và xoa nắn vùng bàng quang, không thông tiểu khi không cần thiết để tránh xảy ra nhiễm trùng.

Trường hợp mẹ bị táo bón sau sinh thì hãy cố gắng ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, xoa nắn vùng bụng và cố gắng đứng dậy vận động nhẹ nhàng. Táo bón kéo dài sau 3 ngày vẫn chưa thể đại tiện thì phải can thiệp thụt tháo phân.

Ngoài ra, sản phụ cũng rất dễ gặp bệnh trĩ sau sinh. Nguyên nhân là do mẹ rặn đẻ lâu và không đúng cách hoặc do táo bón trong những tháng cuối của thai kỳ. Để chăm sóc mẹ bỉm bị trĩ, cần điều trị chống viêm, giảm đau kèm vệ sinh tại chỗ sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh.

mẹ sau sinh bị trĩ
Bị trĩ sau sinh gây nhiều phiền toái cho mẹ bỉm

Tập cho con bú đúng cách

Sữa mẹ luôn luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ mới chào đời. Khi cho con bú đúng cách, vừa giúp bé phát triển tốt vừa giúp mẹ tránh gặp phải các tình huống như đầu vú tụt, tắc tia sữa,…. Mẹ nên tập cho con bú theo cữ và bắt đầu ngay sau khi sữa về. Để có đủ sữa và chất lượng sữa tốt cho con, cần chăm sóc mẹ sau sinh ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi điều độ.

Mẹ có thể cho con bú sữa cho tới khi bé 1 – 2 tuổi tùy theo điều kiện của mẹ. Lưu ý trong thời gian cho con bú mà mẹ phải dùng thuốc điều trị bệnh thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì một số loại thuốc có thể qua đường sữa mẹ, khi trẻ bú cũng sẽ hấp thu thuốc và gây ra tác dụng không mong muốn.

Trước khi cho bé bú, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ đầu vú. Mỗi cữ bú nên cho bé bú hết sữa trong vú. Nếu không hết thì phải vắt hết sữa ra để vú không bị căng và tiếp tục tiết sữa.

bé tập bú sữa mẹ
Mẹ nên tập cho bé cách bú sữa đúng cách

Cách cho bé ngậm vú đúng khi bú:

  • Miệng bé há và cằm chạm vào bầu vú của mẹ.
  • Môi dưới của bé đưa ra ngoài.
  • Núm vú mẹ điều chỉnh sao cho không che mũi bé làm bé khó thở.
  • Khi bé bú nghe thấy tiếng nuốt.
  • Sau khi bú xong thì bé cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn, thậm chí ngủ say.
  • Mẹ không bị đau đầu vú khi em bé bú.
  • Không được cho bé nằm sấp sau khi bú mẹ vì dễ bị sặc sữa.

>>> Xem thêm: Chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé sơ sinh – WHO

Không kiêng tắm gội

Nhiều gia đình theo truyền thống từ xưa vẫn kiêng tắm gội trong tháng đầu tiên khi ở cữ. Tuy nhiên, điều đó là sai lầm vì sau sinh cơ thể mẹ tiết rất nhiều mồ hôi nên phải tắm rửa sạch, nhất là vào mùa hè. Nếu như sinh mổ, có thể dùng khăn ướt lau người trong vài ngày đầu sau đó tắm gội bình thường.

Tùy theo tình trạng của mẹ sau sinh mà có thể tắm gội sau 1 hoặc 3 – 4 ngày sau sinh. Khi chăm sóc mẹ sau sinh nên lưu ý những điều sau khi tắm gội:

  • Tắm rửa người nhanh, không nằm tắm bồn.
  • Tắm rửa trong nhà tắm, ở nơi kín gió để tránh bị cảm lạnh.
  • Phải tắm bằng nước ấm kể cả mùa hè, sau đó dùng khăn sạch lau khô người.
  • Mẹ bỉm không cần kiêng gội đầu nhưng phải gội nhanh và sấy khô luôn.
  • Đánh răng bình thường bằng nước ấm, không kiêng.
Lưu ý khi tắm gội sau sinh
Lưu ý khi tắm gội sau sinh

Hàng ngày khi ở cữ nên mặc quần áo dài tay và đeo tất chân. Cơ thể phụ nữ sau sinh dễ cảm lạnh và bị tác động bởi yếu tố thời tiết. Vào mùa hè, mẹ có thể mặc áo cộc tay ở nhà nhưng nên chọn loại thấm hút mồ hôi tốt. Khi ra ngoài nên mặc kín và chống nắng kỹ.

Nên vận động sớm

Mẹ bỉm sau sinh nên vận động sớm khi có thể. Khi cơ thể đứng dậy vận động có thể đẩy được sản dịch ra ngoài, tránh bị ứ dịch. Ngoài ra, việc vận động sớm cũng giúp mẹ giảm tình trạng táo bón cũng như những vấn đề khác về bằng quang, giảm thuyên tắc phổi và tắc tĩnh mạch.

Đối với sản phụ sinh thường, mẹ chỉ cần nằm nghỉ ngơi vài giờ là có thể đứng dậy để tập đi lại. Đối với sinh mổ, mẹ nên nằm truyền dịch và thuốc giảm đau khoảng 24 giờ. Mẹ sinh mổ thì việc tập đi sẽ khó khăn hơn, ban đầu cần từ từ ngồi dậy, khi cảm thấy không còn chóng mặt nữa thì đứng dậy tập đi từng chút một. Không nên cố đi nhiều, nên nghỉ khi đau và mệt.

tập vận động cho mẹ sau sinh
Vận động sớm sau sinh để cơ thể hồi phục nhanh

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh

Chăm sóc mẹ sau sinh thường

Mẹ sau sinh con bằng sinh thường sẽ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nên bổ sung trong thực đơn mỗi ngày khi chăm sóc mẹ sau sinh đủ bốn nhóm chất là chất đạm, tinh bột – đường, chất béo, vitamin và khoáng chất:

  • Những món ăn giúp lợi sữa mà mẹ có thể chọn như cháo móng giò, gà hầm thuốc bắc, cháo chân giò với đu đủ xanh hay cháo chân dê,… Tuy nhiên, để về dáng nhanh thì không nên ăn liên tục, sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân khó kiểm soát.
  • Mẹ không nên ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ ở những ngày đầu mới sinh.
  • Uống đủ nước hàng ngày nhưng lưu ý là nên uống nước ấm để có được nhiều sữa hơn cho bé.
  • Bổ sung các loại ngũ cốc để giúp lợi sữa. Trong ngũ cốc chứa nhiều vitamin tốt cho mẹ bỉm.
  • Ăn nhiều rau xanh giúp cải thiện chất lượng sữa và ngăn bị táo bón. Rau ngót rất hay được chọn để nấu cho mẹ bỉm ăn trong thời gian ở cữ vừa vì dễ ăn và bổ dưỡng.
  • Tốt nhất là mẹ bỉm nên kiêng trà, cà phê và nước ngọt.
chế độ ăn của mẹ sau sinh
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ bỉm sau sinh

Chăm sóc cho mẹ sau sinh mổ

Sau sinh mổ, về cơ bản chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng sẽ giống như sinh thường. Tuy nhiên, mẹ bỉm cần lưu ý thêm những điều sau đây để hạn chế ảnh hưởng đến vết mổ:

  • Kiêng ăn những đồ ăn khiến sẹo lâu lành như: đồ nếp, rau muống, thịt bò, thịt gà, cua biển và lòng trắng trứng.
  • Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây càng nhiều càng tốt, nhất là khoai lang, đu đủ, chuối và nước ấm uống để ngăn ngừa táo bón.
  • Kiên trì với chế độ ăn uống khoa học để có sữa vì sinh mổ thì sữa sẽ về chậm hơn do có ảnh hưởng của kháng sinh cũng như thể trạng của người mẹ.

Chăm sóc vóc dáng và làn da

Bên cạnh việc chăm sóc mẹ và bé sau sinh về mặt sức khỏe, dinh dưỡng, bản thân người mẹ cũng cần tự chú ý chăm sóc cho mình những vấn đề khác như:

  • Lấy lại vóc dáng sau sinh: mẹ bỉm nên cho con bú, vận động nhẹ nhàng thường xuyên, ngủ đủ giấc và thực hiện chế độ ăn uống khoa học.
  • Chăm sóc da mặt và cơ thể: trong thời gian mang bầu, sự thay đổi của nội tiết tố khiến làn da của mẹ có thể xuất hiện mụn và các vết thâm. Mẹ hãy lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da lành tính hoặc sử dụng sản phẩm tự nhiên như trứng gà, mật ong, nghệ giã đắp mặt. Đều đặn chăm sóc da sáng và tối bằng các bước chăm sóc da cơ bản, đặc biệt lưu ý là nên bôi kem chống nắng.
Chăm sóc thể chất sau sinh
Những lưu ý khi chăm sóc mẹ sau sinh

Chăm sóc bé sau sinh

Vệ sinh và môi trường xung quanh

Vấn đề vệ sinh và môi trường xung quanh là điều cần được ưu tiên chú ý nhất, cụ thể:

  • Nhiệt độ phòng vào khoảng 26-32 độ: Trẻ đã quen với môi trường trong bụng mẹ ổn định nên khi ra ngoài cần thời gian để thích nghi.
  • Tắm hàng ngày: Nhiệt độ nước tắm khoảng 37 độ và lưu ý về việc bé có thể bị hăm do da còn mỏng và dễ bị tổn thương. Thay tã thường xuyên, dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ nếu bé bị hăm tã.
  • Vệ sinh miệng: Dùng nước sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh miệng cho bé mỗi ngày.
  • Vệ sinh rốn: Dùng gạc vô trùng và cồn 70 độ để vệ sinh hàng ngày. Rốn sẽ rụng sau 7-12 ngày (tối đa 3 tuần). Lưu ý theo dõi rốn có bị rỉ máu, rỉ dịch hoặc nhiễm trùng không.
  • Tắm nắng mỗi ngày và massage để giúp bé cứng cáp, khỏe mạnh hơn.

Nuôi dưỡng

Những điều cần nhớ khi chăm sóc bé, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng cũng như theo dõi quá trình tăng trưởng:

  • Bé cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Chú ý cho bé bú theo nhu cầu và bú trực tiếp từ vú mẹ là tốt nhất.
  • Mẹ nên thường xuyên massage bầu vú để tránh áp xe và tắc sữa.
  • Nếu mẹ thiếu sữa vẫn có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức tùy theo số tháng tuổi.
  • Theo dõi nếu bé bị trớ nhiều, da vàng, bỏ bú thì đến gặp bác sĩ ngay.
  • Trung bình trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ đi ngoài khoảng 6-8 lần/ngày. Vệ sinh bằng nước ấm và lau khô để tránh hăm tã.
  • Theo dõi sự tăng trưởng thông qua các chỉ số:
    • Cân nặng: Mỗi tháng tăng khoảng 500-600g trong suốt 6 tháng đầu.
    • Lượng nước tiểu: Mỗi ngày đi khoảng 6-8 lần

Tái khám và tiêm ngừa

Ba mẹ cần chú ý lịch tái khám và tiêm ngừa của trẻ để sớm phát hiện ra bệnh nếu có.

  • Tái khám ngày thứ 4 sau sinh để phát hiện xem bé có bệnh vàng da không.
  • Đo thính lực để phát hiện tình trạng khiếm thính.
  • Xét nghiệm để sớm phát hiện 3 bệnh nguy hiểm: suy giáp bẩm sinh, tăng sản thượng thận & thiếu men G6PD. Thời gian từ khi đủ 72 giờ sinh đến muộn nhất là 3 tuần tuổi.
  • Bổ sung vitamin D3 theo chỉ định của bác sĩ
  • Tiêm phòng theo lịch tiêm chủng cho bé

Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, màu da bé

Thân nhiệt của trẻ sẽ không giống người trưởng thành, khoảng 36,5 – 37,2 và rất dễ bị hạ thân nhiệt dù đang là mùa hè. Vì vậy trẻ rất dễ mắc viêm phổi, bố mẹ lưu ý nên giữ phòng thông thoáng, không quấn bé quá dày và kỹ để hạn chế bé bị sốt, viêm phổi hay hăm dẫn đến viêm da.

Nhịp thở trung bình của bé sơ sinh là 40-60 lần/phút. Theo dõi nếu ít hơn hoặc nhiều hơn kèm theo triệu chứng khò khè, thở không đều thì nên đưa trẻ đến bệnh viện.

Ba mẹ cần chú ý đến tư thế nằm cũng như khi được bế của bé do cấu tạo đường thở của bé mềm và hẹp hơn so với người lớn.

Bình thường da bé sơ sinh sẽ hồng hào, môi và đầu ngón tay, chân sẽ hồng hơn. Nếu da tái nhợt, vàng hoặc tím cần đưa đến bệnh viện kiểm tra.

Chú ý chăm sóc kĩ tuần đầu tiên

Tuần đầu tiên được xem là thời gian quan trọng và cần đặc biệt lưu ý nhất. Ba mẹ hãy theo dõi theo các mốc thời gian dưới đây nhé:

24h đầu tiên:

  • Đặt trẻ da kề da với mẹ nếu tình trạng sức khỏe cả mẹ và bé ổn định.
  • Không được tắm trẻ

Ngày thứ 2 -5

  • Trẻ sẽ khóc nhiều và thường xuyên đòi bú mẹ.
  • Nên cho trẻ bú sữa cách mỗi 2 tiếng, duy trì bú đều 2 bên để tránh tình trạng tắc sữa.
  • Kiểm tra tã thường xuyên để vệ sinh và giữ cho da trẻ khô thoáng.

Ngày thứ 6 – 7:

  • Tăng lượng sữa bú lên tầm 60-90ml/lần.
  • Dễ bị đảo lộn giấc ngủ, ba mẹ nên chú ý điều này để thích nghi được với bé.
  • Nếu phân cứng và đi ngoài ít lại (2-3 ngày/lần) thì gia đình nên xem lại chế độ dinh dưỡng của mẹ.
  • Duy trì vệ sinh và theo dõi tình trạng rụng rốn. Nếu bị sưng, rỉ máu, chảy dịch thì nên đi khám ngay.

Những thắc mắc thường gặp về cách chăm sóc mẹ sau sinh

Các thiết bị điện tử thông minh không được khuyến khích dùng nhiều khi mới sinh em bé. Các mẹ bỉm hãy hạn chế nhất có thể, chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

Đối với các mẹ sinh mổ, sau sinh tốt nhất nên nằm nghiêng. Tư thế này sẽ không bị căng vết mổ mà còn giúp máu lưu thông tốt, giúp vết mổ nhanh lành hơn.

Thời điểm có thể sinh hoạt tình dục tốt nhất là sau 3 tháng đẻ em bé, khi đó các vết thương đã lành và hạn chế sự viêm nhiễm.

Như vậy, chăm sóc mẹ và bé sau sinh một cách khoa học giúp sản phụ  nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ổn định về tinh thần và bé phát triển tốt. Giai đoạn này các mẹ bỉm nên thư giãn càng nhiều càng tốt, cùng chồng và gia đình chăm sóc bé yêu mới chào đời để cả mẹ và bé đều được khỏe mạnh và thoải mái.

thong tin felisa momspa

  1. Counselling for Maternal and Newborn Health Care: A Handbook for Building Skills. Geneva: World Health Organization; 2013. 11, POSTNATAL CARE OF THE MOTHER AND NEWBORN. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK304191/
  2. McCauley H, Lowe K, Furtado N, Mangiaterra V, van den Broek N. Essential components of postnatal care – a systematic literature review and development of signal functions to guide monitoring and evaluation. BMC Pregnancy Childbirth. 2022 May 28;22(1):448. doi: 10.1186/s12884-022-04752-6. PMID: 35643432; PMCID: PMC9148465. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35643432/
  3. Giouleka S, Tsakiridis I, Kostakis N, Boureka E, Mamopoulos A, Kalogiannidis I, Athanasiadis A, Dagklis T. Postnatal Care: A Comparative Review of Guidelines. Obstet Gynecol Surv. 2024 Feb;79(2):105-121. doi: 10.1097/OGX.0000000000001224. PMID: 38377454. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/38377454/

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)