Tư vấn chuyên môn bài viết BS. CKI. Tô Văn Vinh Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ
Trầm cảm khi mang thai là vấn đề nhiều mẹ bầu gặp phải hiện nay. Tuy nhiên những biểu hiện của nó thường bị xem nhẹ và bỏ qua. Có không ít sự việc thương tâm đã xảy ra cho cả mẹ bầu và thai nhi do trầm cảm lúc mang thai. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về vấn đề này để mẹ bầu biết và phòng tránh.
Mục lục
- 1. Trầm cảm khi mang thai là như thế nào?
- 2. Dấu hiệu giúp nhận biết mẹ bầu đang bị trầm cảm
- 3. Tại sao khi mang thai thường dễ bị trầm cảm?
- 4. Trầm cảm khi mang thai sẽ gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm nào?
- 5. Những biện pháp giúp giải quyết tình trạng trầm cảm khi mang thai
- 6. Một số thắc mắc thường gặp về vấn đề trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai là như thế nào?
Trầm cảm khi mang thai là chứng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng ở phụ nữ đang mang bầu. Khi bị trầm cảm, cảm xúc và suy nghĩ của mẹ bầu bị rối loạn và rất khó tự kiểm soát.
Mang thai là thiên chức cao cả và mang đến cho phụ nữ nhiều cảm xúc mới lạ. Tuy nhiên, mang thai cũng đi kèm với nhiều sự thay đổi về cả suy nghĩ lẫn lối sống của mẹ bầu. Nếu không có sự chuẩn bị thì mẹ bầu sẽ khó thích nghi với những thay đổi đó và kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực, một trong số những hậu quả đó là tình trạng bị trầm cảm.
Nếu bạn đã từng bị trầm cảm trong quá khứ, các triệu chứng của bạn có thể quay trở lại hoặc nếu bạn đang sống chung với chứng trầm cảm trước khi mang thai thì tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn mang thai.
Dấu hiệu giúp nhận biết mẹ bầu đang bị trầm cảm
Theo thống kê, hiện có tới 14-23% phụ nữ gặp phải tình trạng trầm cảm khi mang thai. Con số này là không hề nhỏ và có thể để lại những hậu quả nặng nề cho tâm lý người phụ nữ sau này.
Những dấu hiệu nhận biết mẹ bầu đang bị trầm cảm thường không rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với những thay đổi tâm sinh lý khi mang thai nên nhiều gia đình thường chủ quan mà bỏ qua. Các dấu hiệu sau đây có thể cảnh báo tình trạng này:
- Khó tập trung, tâm trạng dễ thay đổi đột ngột
- Liên tục lo lắng về tình trạng sức khỏe và an toàn của em bé
- Dễ cáu kỉnh, nổi giận hoặc hoảng loạn vì một vấn đề không đáng
- Bị rối loạn giấc ngủ
- Cơ thể uể oải, mệt mỏi quá mức kéo dài
- Thường xuyên thèm ăn hoặc chán ăn, không muốn ăn gì
- Không cảm thấy vui vẻ, thích thú hay hào hứng với bất kỳ thứ gì, kể cả sở thích trước đó
- Tâm trạng buồn bã không dứt và dễ khóc vì bất kỳ lý do nào
- Tự cô lập bản thân với gia đình hoặc bạn bè
- Tim đập nhanh, đôi khi bị choáng, ngất xỉu, toát mồ hôi hoặc thấy khó thở
- Hành vi thiếu linh hoạt, kỹ năng xã hội không còn như trước
- Không muốn gần gũi với chồng hoặc mất hứng thú với tình dục
- Có cảm giác tội lỗi, thường xuyên có suy nghĩ kết thúc cuộc sống để thoát khỏi khủng hoảng.
Một số trường hợp, biểu hiện trầm cảm khá giống với lúc mẹ bầu ốm nghén nên mẹ không nên chủ quan mà cần chú ý đặc biệt tới cảm xúc, tâm trạng trong giai đoạn này. Nếu mẹ thấy xuất hiện những cảm xúc tiêu cực quá nhiều, quá lâu thì cần tìm tới sự tư vấn của bác sĩ.
Bên cạnh đó giai đoạn này mẹ bầu rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người thân trong nhà, nhất là từ chồng để chia sẻ những cảm xúc hoặc sự băn khoăn lo lắng trong quá trình mang thai. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nhận biết sớm những bất thường trong tâm lý mẹ bầu, tránh gặp phải tình trạng trầm cảm khi mang thai.
>>> Xem thêm: Trầm cảm khi mang thai – BMJ Journals
Tại sao khi mang thai thường dễ bị trầm cảm?
Có rất nhiều lý do khiến mẹ bầu rơi vào trạng thái trầm cảm. Tuỳ theo trạng thái tâm lý, hoàn cảnh và ý chí của mỗi người mà có những nguyên nhân khác nhau, một số nguyên nhân có thể kể đến:
Sự thay đổi hormone
Hormon thay đổi khi mang thai khiến tâm lý mẹ bầu trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương hơn với những vấn để xung quanh, mẹ cảm thấy lo lắng hơn, suy nghĩ nhiều hơn, thường chuyện bé xé ra to. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tượng trầm cảm khi mang thai ở mẹ bầu.
Lo lắng tài chính
Quá trình mang thai và sinh con là quãng thời gian cần tiền nhiều hơn để khám thai, mua thuốc bổ, tăng cường thực phẩm trong bữa ăn để nuôi dưỡng thai nhi. Điều này khiến nhiều mẹ áp lực vì phải cân đối lại nguồn tài chính hàng tháng. Mặt khác, mẹ bầu bí nhưng vẫn cần phải hoàn thành các công việc nhà và việc cơ quan để đảm bảo tài chính cho cuộc sống. Điều này làm tâm lý thai phụ mệt mỏi, áp lực và dễ dẫn đến trầm cảm khi mang thai.
Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình
Mẹ bầu thường lo lắng, mệt mỏi do ốm nghén, tăng cân, mất ngủ nên rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của những người thân. Nếu người thân không quan tâm mà thờ ơ, xem nhẹ thì sẽ dễ khiến mẹ bầu cảm thấy tổn thương và rơi vào những suy nghĩ tiêu cực.
Có thai ngoài ý muốn
Điều này dễ khiến phụ nữ lo lắng, sợ hãi và dè dặt trước thái độ của mọi người đối với mình, thêm vào đó mang thai ngoài ý muốn thường thiếu sự chuẩn bị chu đáo về cả tinh thần và vật chất khiến căng thẳng, áp lực gia tăng là lý do khiến mẹ gặp tình trạng trầm cảm khi mang thai.
Yếu tố di truyền
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sự rối loạn cảm xúc khi mang thai có tính di truyền nếu như trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái gặp phải trầm cảm thì mẹ bầu cũng thuộc đối tượng có nguy cơ cao.
Bị lạm dụng
Trong thời gian mang thai nếu mẹ bị lạm dụng về tình dục hoặc sức khoẻ, bị đối xử tệ bạc, thiếu công bằng, không được tôn trọng cũng khiến mẹ trở nên nhạy cảm và phát sinh suy nghĩ tiêu cực.
Rối loạn hormon tuyến giáp
Tuyến giáp là nơi tiết ra các hormone liên quan đến nội tiết ở phụ nữ mang thai. Nếu có sự bất thường ở cơ quan này thì cũng sẽ trở thành nguyên nhân phát sinh trầm cảm trong khi mang thai.
Trầm cảm khi mang thai sẽ gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm nào?
Những tác động của trầm cảm khi mang thai đến người mẹ có thể gây ra nhiều nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Ở giai đoạn đầu thai kỳ, trầm cảm có thể gây ra nguy cơ sinh non, sảy thai, thai kém phát triển, nhẹ cân, mẹ có thể bị tiểu đường thai kỳ… Trường hợp nặng, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi sau khi được sinh ra, trẻ cũng có thể gặp các biểu hiện rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, tự kỷ, chậm nói…
Bên cạnh đó, khi mẹ mắc trầm cảm lúc mang thai sẽ có những suy nghĩ và hành vi không tự chủ, thiếu tỉnh táo như: hút thuốc, uống rượu bia, có ý định phá thai hay thậm chí là tự tử. Những hành vi này đều có thể gây ra những tổn thương cho bản thân mẹ bầu và thai nhi.
Vì thế, nếu phát hiện các biểu hiện nghi ngờ trầm cảm, mẹ hãy tới gặp bác sĩ để kiểm tra sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Những biện pháp giúp giải quyết tình trạng trầm cảm khi mang thai
Để hạn chế những ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai tới phụ nữ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:
Liệu pháp tâm lý
Trầm cảm là một loại rối loạn tâm lý nên biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dùng các liệu pháp tâm lý để điều trị. Mẹ hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, làm những việc mình yêu thích để giảm những suy nghĩ, lo lắng quá mức hoặc chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè. Mẹ cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý nếu cảm thấy quá ngột ngạt, lo lắng.
Tập thể dục đều đặn hàng ngày
Việc thường xuyên rèn luyện thể dục không chỉ tốt cho sự phát triển của thai nhi mà còn có thể khiến cơ thể bà bầu cảm thấy thoải mái, thư thái, hạn chế cảm xúc tiêu cực, vì khi tập thể dục cơ thể sẽ tiết ra hormone endorphin – một loại hormone giúp tinh thần hạnh phúc, thoải mái và sảng khoái hơn. Mẹ bầu dành ra 30-45 phút mỗi ngày để vận động nhẹ nhàng là cách hữu ích để phòng ngừa bệnh trầm cảm khi mang thai.
Các liệu trình massage thư giãn tại spa trong quá trình mang thai cũng là liệu pháp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi rất hiệu quả. Tham khảo các liệu pháp massage cho bà bầu của FELISA MOMSPA tại đây.
Ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ sâu giúp cơ thể mẹ bầu tái tạo năng lượng và xua tan cảm giác mệt mỏi trong suốt một ngày. Vì vậy, mẹ bầu nên đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7-8 giờ vào ban đêm để tinh thần được thoải mái và nạp năng lượng cho cơ thể.
Sự động viên, khích lệ từ bạn bè hay người thân
Người nhà, bạn bè đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi tâm lý của mẹ bầu. Họ là những người mẹ tin tưởng trút bầu tâm sự, giúp đỡ, hỗ trợ mẹ khi cần thiết. Vì thế nếu mẹ nhận được những sự quan tâm, động viên chia sẻ thì sẽ giảm được rất nhiều những lo lắng phiền muộn, những cảm xúc tiêu cực mệt mỏi trong quá trình mang thai.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Mẹ bầu thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tích cực bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và uống nhiều nước sẽ giúp tâm trạng được cải thiện đáng kể, bản thân mẹ cũng thấy cơ thể khỏe khoắn và tràn đầy sức sống.
Ăn socola đen
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong socola đen có chứa theobromine – một chất có tác dụng giúp nở mạch máu và giãn cơ. Một lượng nhỏ socola đen có thể giúp mẹ bầu xua tan cảm giác buồn phiền. Ngoài ra, socola đen còn được biết đến với tác dụng giúp giảm hội chứng tiền sản giật.
Tập viết nhật ký
Khi viết nhật ký, mẹ bầu có thể giải bày những khó chịu, bức bối từ đó giải tỏa tâm lý vô cùng hiệu quả.
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc chỉ áp dụng với những mẹ có mức độ trầm cảm nặng mà các liệu pháp khác không đem lại hiệu quả. Biện pháp này chỉ áp dụng khi mẹ được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chỉ định dùng thuốc. Mẹ không được tự ý sử dụng vì nếu không uống đúng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định và sự phát triển bình thường của bào thai, do đó mẹ cần đi khám trước khi muốn sử dụng bất kỳ thuốc gì.
Một số thắc mắc thường gặp về vấn đề trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai có thể gây ra các ảnh hưởng trong quá trình chuyển dạ, làm tăng nguy cơ sinh non, kéo dài quá trình hồi phục sau sinh của mẹ hoặc gây khó tạo được sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và con.
Sử dụng thuốc điều trị trầm cảm lúc mang thai có thể gây ra một số nguy cơ đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi như sinh non, trẻ sinh ra chậm phát triển ngôn ngữ, thiếu hoạt bát hoặc có thể bị tự kỷ,…Vì thế khi có dấu hiệu trầm cảm trong lúc mang thai mẹ bầu nên tìm đến bác sĩ tâm lý để tham vấn và lựa chọn loại thuốc thích hợp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Mẹ bầu có thể tìm tới sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý, hoặc tham gia các hội nhóm của các mẹ bầu trên các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ những vấn đề của mình và có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Trầm cảm khi mang thai là một vấn đề không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Mỗi người chúng ta cần quan tâm và trang bị đủ kiến thức về vấn đề này để sớm phát hiện nếu có người thân trong gia đình đang gặp phải cũng như có các giải pháp điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả đáng tiếc.
Nguồn:
- O’Keane V, Marsh MS. Depression during pregnancy. BMJ. 2007 May 12;334(7601):1003-5. doi: 10.1136/bmj.39189.662581.55. PMID: 17494021; PMCID: PMC1867919. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1867919/
- Evans J, Heron J, Francomb H, Oke S, Golding J. Cohort study of depressed mood during pregnancy and after childbirth. BMJ. 2001 Aug 4;323(7307):257-60. doi: 10.1136/bmj.323.7307.257.
- Depression in pregnancy – NHS. https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/depression/
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi