Sự Phát Triển Và Các Mốc Quan Trọng Của Em Bé 3 Tuần Tuổi

Sự Phát Triển Và Các Mốc Quan Trọng Của Em Bé 3 Tuần Tuổi
BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ

Như đã đề cập trước đó, cha mẹ và em bé đang trên hành trình học cách sống cùng nhau. Vì vậy việc cha mẹ chưa nắm vững tất cả các phần của việc nuôi dạy con cái là điều hoàn toàn bình thường.

Khi em bé được 3 tuần, một số cha mẹ bắt đầu cảm thấy mình bắt đầu quen với việc chăm sóc con mình. Thêm vào đó, bé có thể thức dài hơn và hào hứng với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, cùng với sự thức giấc dài hơn có thể kèm theo những giai đoạn quấy khóc dữ dội.

Bài viết dưới đây là những điều bạn cần biết về sự phát triển và thay đổi của em bé 3 tuần tuổi.  Đồng thời cung cấp một số mẹo chăm sóc và an toàn cần ghi nhớ cho bé bú và ngủ.

Một số kiến thức cha mẹ nên biết khi chăm sóc trẻ 3 tuần tuổi

Việc chăm sóc em bé của bạn vẫn chủ yếu xoay quanh việc tắm bé, thay tã và cho bú vào thời điểm này. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý thêm một số thông tin khác sau đây:

Ống lệ có thể bị tắc

Ống lệ của bé vẫn đang trưởng thành và đôi khi có thể bị tắc nghẽn. Dấu hiệu nhận biết đó là bạn thấy mắt trẻ đỏ hơn hoặc chảy nước mắt nhiều hơn bình thường hoặc có một ít vảy tích tụ. Thông thường, các dấu hiệu trên có thể tự giới hạn và tự khỏi.

Mụn trứng cá và viêm da tiết bã sơ sinh

Nhiều em bé 3 tuần tuổi có thể bị mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện bằng những nhân mụn đóng li ti ở trán, mũi và má. Tình trạng mụn có thể giới hạn sau vài tuần đến vài tháng mà không để lại dấu vết gì trên da của bé.

Một số bé bị viêm da tiết bã (cứt trâu trên đầu trẻ), tức là xuất hiện nhiều vảy vàng dính ở phần da đầu. Đây cũng là biểu hiện lành tính và tự khỏi. Bạn không nên tự bóc vảy hoặc chà xát vảy để tránh gây đau và nhiễm trùng cho bé.  Ngoài ra, cần tránh dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, không tắm cho bé quá nhiều và cho bé mặc quần áo thoáng mát.

Sự phát triển của bé 3 tuần tuổi

Mặc dù 3 tuần tuổi bé vẫn ngủ nhiều nhưng nhìn chung bé đã có thể thức lâu hơn. Nếu cha mẹ có thời gian quan sát bé kỹ, bạn sẽ cảm nhận bé nhận biết và phản ứng nhanh hơn với môi trường xung quanh.

Khi phát triển hơn, bé có thể trải qua nhiều khoảnh khắc khó chịu và quấy khóc nhiều hơn. Nhiều bậc cha mẹ nhận thấy rằng điều này cũng trùng hợp với các triệu chứng ở bụng. Nguyên nhân có thể do lượng không khí dư thừa trong dạ dày của em bé làm bé đầy hơi và cảm thấy không thoải mái. Triệu chứng này không khó khắc phục. Bạn cần lưu ý việc đảm bảo ngậm vú đúng cách khi cho con bú và vỗ ợ hơi sau bú giúp tránh tình trạng bé nuốt nhiều hơi.

Một tình trạng cũng thường gặp khiến bé đau bụng và quấy khóc thường xuyên đó là Colic. Colic gặp ở bé từ 4 đến 6 tuần tuổi. Và Colic thường làm cho bé khóc không nguôi, hay diễn ra vào buổi tối và có thể gây căng thẳng cho cha mẹ.

Mặc dù vậy, bạn cần hiểu rằng đây là hiện tượng khá phổ biến ở bé và giảm dần qua các giai đoạn. Hãy giữ cho tâm trí bình tĩnh, trấn an và vỗ về bé bằng cách đung đưa nhẹ, bế bé đi lại và ngậm vú giả. Nếu bụng bé khó chịu và không vỗ về được bé, bạn cần đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa để tìm nguyên nhân và cách khắc phục.

Các cột mốc quan trọng của bé 3 tuần tuổi

Mặc dù chỉ mới chào đời được vài tuần nhưng em bé 3 tuần tuổi có thể đã có những cột mốc phát triển đáng kể.

Khi được 3-4 tuần tuổi, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) đã ghi nhận những sự thay đổi thể chất của bé như sau:

  • Bé nâng đầu và quay đầu trong vài giây khi nằm sấp
  • Bé biết đưa tay lên mặt của mình
  • Bé có thể giật mạnh cánh tay
  • Vẫn còn những phản xạ của trẻ sơ sinh

Về thính giác và thị lực, hầu hết trẻ 3 tuần tuổi có khả năng:

  • Tập trung tốt nhất vào những vật cách mặt bé 20 – 50cm (khoảng cách chính xác giữa khuôn mặt của bé và cha mẹ khi bé được ôm trong vòng tay).
  • Nhận biết một số âm thanh
  • Bắt đầu quay về phía tiếng ồn
  • Hào hứng với biểu cảm khuôn mặt của người chăm sóc
  • Có thể vẫn còn lác mắt

Ngoài ra, một số bé còn có thể ngửi thấy mùi thơm và thậm chí có thể nhận ra mùi sữa mẹ. Trong thời gian nằm sấp, bé có thể bắt đầu di chuyển nhẹ từ đầu này đến đầu kia.

Lượng sữa của em bé 3 tuần tuổi

Thông thường, bé ở độ tuổi này tăng khoảng 20-30g mỗi ngày. Do vậy, bé vẫn sẽ bú thường xuyên, mặc dù một số lần bú có thể bắt đầu kéo dài ra một chút.

Bé 3 tuần tuổi nên được bú theo nhu cầu. Nghĩa là bất cứ lúc nào bé muốn bú, bạn có thể cho bé bú sữa. Trung bình, hầu hết trẻ sơ sinh đều bú mỗi 2-3 giờ. Tuy nhiên, lượng sữa của mỗi bé không giống nhau hoàn toàn. Cha mẹ hãy nhớ rằng tất cả các bé đều khác nhau và nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về việc bé bú bao nhiêu hoặc tần suất như thế nào, hãy trao đổi thêm với với bác sĩ nhi khoa.

Giấc ngủ của bé 3 tuần tuổi

Từ 2 đến 3 tuần tuổi, bé vẫn ngủ nhiều. Trung bình bé ngủ từ 16-18 giờ mỗi ngày, thường kéo dài từ 3-4 giờ. Trẻ sơ sinh vẫn đang học cách phân biệt ngày- đêm và bé thường không tuân theo bất kỳ lịch trình sinh hoạt thông thường nào cho đến khoảng 6 tuần tuổi.

Giờ tắm của bé 3 tuần tuổi

Khi cuống rốn đã khô và rụng, bạn có thể dùng chậu tắm mỗi ngày cho bé. Nếu bạn lo lắng bé bị lắc lư trơn trượt khi dùng chậu tắm, hãy đầu tư vào một chiếc bồn tắm dành cho trẻ em có dây an toàn hoặc miếng đệm để nôi cho bé.

Trẻ sơ sinh không cần phải tắm mỗi ngày. Nhưng tạo ra thời gian tắm trước khi đi ngủ buổi đêm có thể giúp bé thư giãn, dễ chịu và tạo nên một thói quen sinh hoạt trước giấc ngủ tốt.

Sức khỏe và sự an toàn của bé 3 tuần tuổi

Miễn là em bé có nhiều tã ướt và ị mỗi ngày và cơ thể phát triển khỏe mạnh thì bạn không cần phải đưa bé đến bác sĩ nhi khoa trước khi đến lịch khám định kỳ. Dưới đây là một số lời khuyên về sức khỏe và an toàn khác cha mẹ cần ghi nhớ:

Bổ sung vitamin D

Mặc dù sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho bé nhưng sữa mẹ thường không chứa đủ lượng vitamin D. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên bổ sung vitamin D dạng giọt cho bé (400 IU).

Quấn tã

Do khoảng thời gian này bé quấy khóc nhiều, nhiều cha mẹ lại quan tâm đến việc quấn tã cho bé như một cách để xoa dịu. Phương pháp khá hữu ích và có tác dụng tốt đối với nhiều em bé. Tuy nhiên, AAP khuyến cáo bạn không nên quấn quá chặt quanh hông của bé để ngăn ngừa chứng loạn sản xương khớp háng. Bạn cần kiểm tra thường xuyên và đảm bảo rằng em bé  nằm ngửa khi ngủ, kể cả khi được quấn tã.

Những câu hỏi thường gặp

Cứt trâu ở đầu bé sơ sinh không gây hại cho sức khỏe bé. Bạn chỉ cần tắm gội cho bé hàng ngày, bôi dưỡng ẩm sau khi tắm và không bóc vảy ở da đầu. Sau 1-2 tháng, da đầu bé sẽ vảy dần mà không cần bôi thuốc.

Một số nguyên nhân khiến bé 3 tuần tuổi quấy khóc là bé bú chưa no do ngậm bắt vú sai, bé bị đầy hơi sau bú hoặc bé bị đau bụng.

Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ AAP khuyên cho bé 3 tuần tuổi nằm sấp mỗi lần 3-5 phút, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.

Lượng sữa một lần bú của bé khoảng 80-120ml, tùy theo nhu cầu của mỗi bé. Trung bình bé bú sữa mẹ cần 8-12 cữ bú mỗi ngày, mỗi cữ cách nhau 1-3 giờ.

Ôm bé vào lòng, chạm vào tay chân của bé hoặc tạo ra những biểu cảm ngộ nghĩnh khi cho bé bú là cách kết nối với bé tốt trong những tuần đầu đời. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho bé xem tranh, xem màu sắc trong thời gian nằm sấp.

Lời kết

Tuần thứ ba của em bé là trải nghiệm thú vị đối với người mẹ. Nhưng hãy nhớ rằng bạn vẫn đang trong thời kỳ hậu sản. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và choáng ngợp. Sức khỏe và thể chất của bé quan trọng, nhưng của bạn cũng vậy. Nếu bạn cảm thấy khó khăn và vật lộn với tiếng quấy khóc của bé, bạn có thể đặt bé ở một nơi an toàn và rời khỏi phòng trong một phút để tập trung lại.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sự tăng trưởng và phát triển của em bé, vui lòng liên hệ bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau sinh, vui lòng liên hệ bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh.

Nguồn tham khảo

1. National Library of Medicine. Colic and crying – self-care. https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000753.htm
2. American Academy of Pediatrics. Developmental Milestones: 1 Month. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Developmental-Milestones-1-Month.aspx
3. American Academy of Pediatrics. Colic Relief Tips for Parents. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/crying-colic/Pages/Colic.aspx
4. Nemours Children’s Health. Your Newborn’s Growth. https://kidshealth.org/en/parents/grownewborn.html
5. American Academy of Pediatrics. Back to Sleep, Tummy to Play. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/Back-to-Sleep-Tummy-to-Play.aspx
6. Stanford Children’s Hospital. Age-Appropriate Vision Milestones. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=age-appropriate-vision-milestones-90-P02305
7. American Academy of Pediatrics. Is Your Baby Hungry or Full? Responsive Feeding Explained. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Is-Your-Baby-Hungry-or-Full-Responsive-Feeding-Explained.aspx
8. Nemours Children’s Health. Sleep and Your Newborn. https://kidshealth.org/en/parents/sleepnewborn.html
9. American Academy of Pediatrics. AAP Schedule of Well-Child Care Visits. https://www.healthychildren.org/English/family-life/health-management/Pages/Well-Child-Care-A-Check-Up-for-Success.aspx
10. Centers for Disease Control and Prevention. Vitamin D. https://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/diet-and-micronutrients/vitamin-d.html
11. Moon R, Task Force on Sudden Infant Death Syndrome, Darnall R. SIDS and Other Sleep-Related Infant Deaths: Evidence Base for 2016 Updated Recommendations for a Safe Infant Sleeping Environment. Pediatrics. 2016;138(5) e20162940. doi:10.1542/peds.2016-2940 https://publications.aap.org/pediatrics/article/138/5/e20162940/60296/SIDS-and-Other-Sleep-Related-Infant-Deaths
12. Nemours Children’s Health. Surgeries and Procedures: Circumcision. https://kidshealth.org/en/parents/procedure-circumcision.html
13. American Academy of Pediatrics. Care for an Uncircumcised Penis.
https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/bathing-skin-care/Pages/Care-for-an-Uncircumcised-Penis.aspx
14. Mott Children’s Hospital. Blocked Tear Ducts. https://www.mottchildren.org/health-library/hw3084
15. American Academy of Dermatology. Is that acne on my baby’s face? https://www.aad.org/public/diseases/acne/really-acne/baby-acne
16. Victoire A, Magin P, Coughlan J. Interventions for infantile seborrhoeic dermatitis (including cradle cap). Cochrane Database of Systematic Reviews. 2019;3:CD011380. doi: 10.1002/14651858.CD011380.pub2. https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD011380.pub2/full
17. Pagano C. When do babies first smile? American Academy of Pediatrics. https://www.healthychildren.org/English/tips-tools/ask-the-pediatrician/Pages/When-do-babies-first-smile.aspx

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)