Tư vấn chuyên môn bài viết
BS. CKI. Tô Văn Vinh
Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ
Bạn có cảm nhận em bé đang lớn lên từng ngày? Dường như sau mỗi đêm quấy khóc và háu bú, bé trở nên cứng cáp và khỏe khoắn hơn. Một tin tốt là trong tuần thứ 7, bé sẽ hoàn thành giai đoạn tăng trưởng vượt bậc kéo dài 6 tuần. Vì vậy, bé có thể bớt quấy khóc hơn.
Trong tuần thứ 7, bạn sẽ phát hiện nhiều khoảnh khắc thú vị khi bé trở nên dễ chịu hơn. Cho dù việc nuôi dạy một em bé nhỏ rất mệt mỏi, nhưng vẫn có nhiều giây phút vui vẻ xứng đáng.
Trong bài viết dưới đây, cha mẹ cùng dõi theo những tiến triển thú vị của bé trong tuần thứ 7, Đồng thời, cùng lắng nghe một số lời khuyên về cho bú, giấc ngủ, sự an toàn và chăm sóc em bé.
Mục lục
Khái niệm cơ bản về chăm sóc trẻ 7 tuần tuổi
Vào tuần thứ 7, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để tạo ra nhiều hoạt động với bé. Trong đó, hai hoạt động cha mẹ dễ thực hiện với trẻ 7 tuần tuổi là: bế hoặc địu bé và cho bé nằm sấp.
Bế hoặc địu bé
Bế hoặc địu bé là một cách tuyệt vời để gắn kết với bé, xoa dịu bé khi bé quấy khóc. Đồng thời tăng cường khả năng tương tác cảm xúc và ngôn ngữ với bé. Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) lưu ý rằng, cha mẹ địu bé phải đảm bảo về không gian bé thở. Tức là đường thở của bé không bị lớp vải địu che hoặc vị trí bé nằm cần thông thoáng phần mũi và miệng bé.
Cha mẹ có thể sử dụng địu khi ra ngoài với bé. Tuy nhiên, cần đảm bảo bạn sử dụng địu đúng với độ tuổi bé và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thời gian nằm sấp
Thời gian nằm sấp trong ngày là cơ hội tuyệt vời để bé tăng cường phát triển cơ. Bạn cần sắp xếp không gian thoải mái, êm ái, thoáng đãng và đặt bé nằm sấp. Ở tuần tuổi này, bạn sẽ thấy bé ngẩng đầu nhiều hơn và một số bé nâng được các bộ phận khác cơ thể.
Nếu trước đó bạn chưa cho bé tập nằm sấp trên mặt phẳng cố định, bạn có thể bắt đầu đặt bé nằm sấp trên ngực bạn trước. Một số bé cảm thấy an toàn và thoải mái hơn với phương pháp này.
Sự phát triển của bé 7 tuần tuổi
Trong vài tuần qua, em bé đã tương tác nhiều với cha mẹ và môi trường bên ngoài. Tại tuần thứ 7, nhiều bé đã nở nụ cười đầu tiên. Nếu bé đã có những nụ cười đầu tiên, sau đó bé sẽ cười nhiều hơn và phản ứng lại với những điều diễn ra xung quanh.
Nhìn chung, bé có thể nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh. Bạn dễ dàng nhận ra bé thực sự quan sát khuôn mặt của bạn và quay về hướng có âm thanh trong phòng. Khác với những tuần đầu, bé bắt đầu nhận ra bạn ngay cả khi khuôn mặt bạn ở xa và có thể dõi theo bạn khi bạn đi ngang qua phòng.
Ngoài ra, bé vẫn thích nghe bạn nói chuyện, kể chuyện, đọc sách, nghe nhạc nhẹ và tỏ ra hứng thú với những quyển sách có màu sắc và âm thanh khác nhau.
Thay đổi về bú sữa và cữ bú
Bú sữa là một phần quan trọng trong ngày của bé. Điều quan trọng của cha mẹ là phải bắt nhịp được với các dấu hiệu đói của bé và học cách ăn theo nhu cầu. Ở độ tuổi này, em bé bú sữa mẹ vẫn cần ăn rất thường xuyên, trung bình mỗi cữ 1,5-2 giờ. Đối với bé bú sữa công thức, khoảng cách các cữ có thể dài hơn, cách nhau mỗi 3-4 giờ. Dù vậy, nhu cầu của mỗi bé đều khác nhau và không nhất thiết phải tuân theo các quy tắc cứng nhắc về thời gian giữa các cữ bú.
Khi cho bé ăn, bạn phải luôn chú ý đến các tín hiệu của bé và ngừng cho bú khi bé có vẻ no và kém hứng thú. Bởi vì khi bé bú quá no, bé dễ bị đầy hơi và nôn trớ. Cha mẹ có thể quan sát những dấu hiệu dưới đây để biết rằng bé đã no:
- Bé di chuyển đầu ra khỏi bình sữa hoặc vú mẹ
- Thường xuyên dừng bú
- Nhả núm vú
- Từ chối bình sữa hoặc vú mẹ khi đưa vú lại gần
- Bé ngủ thiếp đi
Giấc ngủ của bé
Mặc dù em bé có thể ngủ ngon hơn sau giai đoạn 6 tuần tuổi, nhưng bé còn quá nhỏ để ngủ suốt đêm. Bé có xu hướng ngủ khoảng 14-16 giờ mỗi ngày nhưng ngủ nhiều vào ban đêm. Một phần lý do khiến bé khó ngủ xuyên đêm là vì bé vẫn cần được bú sữa thường xuyên, kể cả vào ban đêm.
Bước sang tuần thứ 7, đa phần các bé vừa kết thúc giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trong 6 tuần. Do vậy, bạn sẽ thấy bé bớt quấy khóc hơn. Bên cạnh đó, nếu trước đó bé có triệu chứng đau bụng thì vào giai đoạn này, các triệu chứng có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu bé vẫn quấy khóc hoặc đau bụng thì điều này là bình thường. Bởi vì các triệu chứng đau bụng thường không biến mất hoàn toàn cho đến khoảng 3 tháng.
Về phát triển cân nặng và chiều dài, đây là thời điểm em bé “sổ sữa” hơn. Bạn sẽ thấy mặt, tay và chân bé tròn đầy hơn. Tuy nhiên, đặc điểm này còn phụ thuộc vào cơ thể của mỗi bé. Cha mẹ đừng quá áp lực về vẻ ngoài của bé nếu bé vẫn đảm bảo về các chỉ số cân nặng và chiều dài. Ở tuần thứ 7, hầu hết các bé tăng cân nhanh, khoảng 800-900g/tháng. Bé cũng tăng khoảng 2-3 cm/tháng.
Các cột mốc quan trọng của bé 7 tuần tuổi
Trong thời gian nằm sấp, bé có thể ngẩng đầu lên trong thời gian dài hơn và cố gắng nâng phần còn lại cơ thể. Cho dù vậy, bé cần sự hỗ trợ từ cha mẹ vì các nhóm cơ ở cổ vẫn đang phát triển. Bạn vẫn cần giữ phần đầu cổ bé chắc chắn khi bế bé.
Ngoài ra, bạn sẽ nghe được nhiều âm thanh thú vị từ bé. Bé “thủ thỉ” với cha mẹ vào tạo ra nhiều âm thanh ríu rít khác nhau. Ngoài ra, bé biết cách dùng tiếng khóc khác nhau để thông báo với cha mẹ rằng bé đang đói, buồn ngủ, ướt tã hoặc buồn chán, thu hút sự chú ý…
- Một số cột mốc quan trọng khác mà bạn có thể nhận thấy trong tuần này bao gồm:
- Bé có thể tự xoa dịu và ngừng khóc khi mút tay và ngón tay.
- Bé bắt đầu có những chuyển động nhẹ nhàng hơn, có chủ ý hơn bằng tay và chân.
- Bé biết mở và nắm tay
- Phản xạ sơ sinh của bé đã bắt đầu biến mất.
- Bé sẽ chăm chú quan sát bạn và tỏ ra phấn khích khi nhận ra bạn đang ở gần.
Sức khỏe và sự an toàn của bé 7 tuần tuổi
Tuần tới bé sẽ được bác sĩ nhi khoa khám định kỳ 2 tháng tuổi. Cha mẹ hãy quan sát và ghi chép lại những câu hỏi để trao đổi với bác sĩ trong quá trình chăm sóc trẻ.
Một số em bé có thể bị bệnh trong độ tuổi này. Vì hệ thống miễn dịch của bé chưa phát triển toàn diện nên mắc bệnh hơn so với trẻ lớn.
Một số dấu hiệu mắc bệnh của bé:
- Bé sốt
- Bé bỏ bú, tiêu chảy hoặc nôn mửa, sổ mũi, mẩn ngứa, chảy mủ tai.
- Bé quấy khóc quá mức hoặc không ngừng khóc.
- Dấu hiệu mất nước ở bé: da khô, ít tã ướt, thóp trũng…
- Bé ngủ li bì, ít tỉnh táo
Nếu cha mẹ chưa có kinh nghiệm nhận biết các dấu hiệu bệnh của bé, hãy cho bé đến khám và trao đổi với bác sĩ Nhi khoa sớm nhất có thể. Từ đó, cha mẹ sẽ có thêm kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ khi mắc bệnh.
Những câu hỏi thường gặp
Bé có thể ngẩng đầu lên khi nằm sấp và cố gắng nâng phần còn lại của cơ thể. Cha mẹ nên hỗ trợ phần đầu và cổ của bé khi bế. Bé có thể “thủ thỉ” với cha mẹ, tạo ra nhiều âm thanh khác nhau và sử dụng tiếng khóc để biểu đạt nhu cầu như đói, buồn ngủ, hoặc ướt tã. Bé cần bú sữa mẹ thường xuyên, trung bình mỗi 1.5-2 giờ. Dấu hiệu bé đã no bao gồm di chuyển đầu ra khỏi vú mẹ, thường xuyên dừng bú, nhả núm vú, từ chối bình sữa hoặc vú mẹ, và ngủ thiếp đi. Cho bé tiếp xúc với màu sắc sặc sỡ, âm thanh khác nhau, và nói chuyện thường xuyên với bé để kích thích sự phát triển. Bé đã bắt đầu nở nụ cười đầu tiên và phản ứng với những điều diễn ra xung quanh. Bé nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh, quan sát khuôn mặt bạn và phản ứng với âm thanh.
Lời kết
Đến tuần thứ 7, bé phát triển vượt bậc hơn so với tuần trước. Đây là khoảng thời gian quý báu để giúp bé phát triển vận động, ngôn ngữ và nhận biết thế giới xung quanh. Vì thế, cha mẹ cần sắp xếp nhiều thời gian để tương tác và thấu hiểu bé nhiều hơn. Tuy nhiên, đừng quên rằng sức khỏe của bạn cũng quan trọng không kém.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sự tăng trưởng và phát triển của em bé, vui lòng liên hệ bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau sinh, vui lòng liên hệ bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh.
1. U.S. Department of Agriculture. Cluster Feeding and Growth Spurts. https://wicbreastfeeding.fns.usda.gov/cluster-feeding-and-growth-spurts Nguồn tham khảo
2. Centers for Disease Control and Prevention. Important milestones: your baby by two months. https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/milestones-2mo.html
3. Stanford Children’s Health. Infant Sleep. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=infant-sleep-90-P02237
4. Nemours Children’s Health. Your Baby’s Growth: 2 Months. https://kidshealth.org/en/parents/growth-2mos.html
5. National Library of Medicine. Colic and crying – self-care. https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000753.htm
6. American Academy of Pediatrics. Bottle Feeding Basics. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Bottle-Feeding-How-Its-Done.aspx
7. Johnson H, Eglash A, Mitchell K, et al. ABM Clinical Protocol #32: Management of Hyperlactation. Breastfeeding Medicine. 2020;15(3). doi:10.1089/bfm.2019.29141.hmj https://www.bfmed.org/assets/DOCUMENTS/PROTOCOLS/Protocol%20%2332%20-%20English%20Translation.pdf
8. American Academy of Pediatrics. Checkup Checklist: 2 Months Old. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/Your-Childs-Checkups/Pages/Your-Checkup-Checklist-2-Months-Old.aspx
9. Cleveland Clinic. When to Call the Doctor for Your Newborn Baby. https://health.clevelandclinic.org/when-to-call-the-doctor-for-your-newborn-baby/
10. American Academy of Pediatrics. Baby Carriers: Backpacks, Front Packs, and Slings. https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/on-the-go/Pages/Baby-Carriers.aspx
11. American Academy of Pediatrics. Tummy Time Activities. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/The-Importance-of-Tummy-Time.aspx
12. American Academy of Pediatrics. Back to Sleep, Tummy to Play. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/Back-to-Sleep-Tummy-to-Play.aspx
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi