Sự Phát Triển Và Các Cột Mốc Quan Trọng Của Bé 7 Tháng Tuổi

Sự Phát Triển Và Các Cột Mốc Quan Trọng Của Bé 7 Tháng Tuổi
BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ
Khi bé được 7 tháng tuổi, dường như cuộc sống của cha mẹ trở nên bận rộn hơn. Bạn không chỉ cảnh giác với việc bé té ngã hay đưa đồ vật vào miệng mà còn quan tâm đến quá trình ăn dặm của bé. Một trải nghiệm vừa thú vị vừa vất vả, phải không?

Ở ở độ tuổi này, hầu hết các em bé có thể ngồi mà không cần sự hỗ trợ, đỡ trọng lượng ở chân, vươn ra bằng cả hai tay và chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác. Trong bài viết dưới đây là những điều khác bạn cần biết về em bé 7 tháng tuổi. Cha mẹ cần lưu ý một số kiến thức chăm sóc bé từ bữa ăn, giấc ngủ đến sự phát triển và các cột mốc quan trọng của em bé 7 tháng tuổi.

Khái niệm cơ bản về chăm sóc bé 7 tháng tuổi

Khoảng thời gian bé thức trong ngày là lúc bạn bận rộn với việc chăm sóc và tương tác với bé. Đồng thời, một số cha mẹ bận rộn với công việc xã hội. Một điều cần lưu ý, cho dù bận rộn công việc riêng thì trong thời điểm bé dưới 18 tháng tuổi, cha mẹ không nên cho bé xem các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính.

Thay vào đó, hãy nhờ bạn bè hoặc thành viên gia đình giúp đỡ khi bạn cần nghỉ ngơi hoặc làm việc. Và nếu bạn ở nhà với bé, hãy tận dụng thời gian ngủ trưa để giải quyết các công việc riêng của bạn.

Trong giai đoạn bé đang tập ăn dặm, bạn sẽ luôn trong tình cảnh sẵn sàng dọn dẹp và tắm rửa cho bé. Đặc biệt, đối với các bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy. Vì thế, đừng quá lo lắng hay hoảng hốt nếu bé làm rơi thức ăn khắp nhà.

Bên cạnh đó, tính chất phân của bé cũng thay đổi. Một số bé có thể đi ngoài phân xanh. Điều này là bình thường nếu ngày trước đó bé ăn nhiều rau củ quả tươi. Nếu cha mẹ nhận biết bé có biểu hiện bất thường như tiêu chảy, sốt, đau bụng thì bạn cần đưa bé đến Bác sĩ Nhi Khoa để thăm khám.

Sự phát triển của bé 7 tháng tuổi

Một số bé 7 tháng tuổi đã biết bò và một số bé sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện kỹ năng này. Tương tự như vậy, một số bé có thể thích ăn thức ăn đặc và những bé khác vẫn có thể thích bú mẹ hoặc bú bình.

Thức ăn cho bé 7 tháng tuổi

Trong tháng này, bạn có thể tiếp tục giới thiệu các loại thực phẩm cho bé. Tuy nhiên bạn không nên vội vàng vì nhiều bé cần thời gian để làm quen với thức ăn đặc.

Vào tháng thứ 7, nguồn dinh dưỡng chính của bé đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức (hoặc kết hợp cả hai). Do vậy cha mẹ không cần phải ép bé ăn dặm trước khi bé sẵn sàng. Thay vào đó, cha mẹ nên giữ tinh thần hướng dẫn và luyện tập cùng bé để bé tận hưởng niềm vui khám phá thức ăn.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho phép bé thử nghiệm việc tự ăn. Mặc dù hiện tại bé có thể không có kỹ năng hoặc khả năng phối hợp để tự ăn. Nhưng việc cho bé tự cầm thìa với thức ăn tạo nên sự chủ động và độc lập khi ăn uống.

Về thức ăn cho bé, ban đầu bé sẽ không thích một số loại thức ăn. Tuy nhiên, bạn không nên cắt hẳn thức ăn đó ra khỏi khẩu phần. Nguyên nhân là ban đầu bé có thể chưa cảm nhận được hương vị hoặc kết cấu thức ăn. Do đó, việc cho bé thử lại từng ít một sẽ giúp bé chấp nhận thức ăn dễ dàng hơn. Nếu bé vẫn tiếp tục từ chối thức ăn sau vài lần thử thì có lẽ bé thật sự không hứng thú.

Giấc ngủ của bé 7 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, bé có thể có lịch ngủ ổn định với những tháng đầu đời. Nhưng vẫn có những điều làm gián đoạn giấc ngủ của bé như mọc răng hoặc bé cảm thấy bất an. Và việc có sự thay đổi trong chu kỳ giấc ngủ hoặc cách bé tự ngủ là điều bình thường.

Nếu bé có vẻ khó ngủ hoặc thức dậy nhiều, bạn có thể trao đổi với Bác sĩ Nhi Khoa để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, cha mẹ cần để ý thời gian đi ngủ buổi tối của bé. Một số cha mẹ cho bé hoạt động nhiều trong ngày và đợi đúng giờ quy định mới cho bé đi ngủ. Điều này dẫn đến bé quá mệt mỏi và trở nên cáu gắt, khó ngủ. Bạn có thể cân nhắc cho bé đi ngủ sớm hơn và xây dựng lại khung giờ đi ngủ phù hợp với hoạt động trong ngày của bé.

Điều quan trọng tiếp theo là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp ngủ an toàn bằng cách luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ trong nôi. Bé không nên có chăn, gối dày hoặc đồ chơi trong cũi ở độ tuổi này.

Các bác sĩ Nhi khoa cũng khuyến khích các bậc cha mẹ không nên bị cuốn vào việc so sánh hoặc thúc ép bé đạt được các cột mốc quan trọng trước khi bé sẵn sàng.

Các mốc quan trọng của bé 7 tháng

Khi được 7 tháng tuổi, bé có thể sẽ hiếu động hơn rất nhiều so với những tháng trước. Đồng thời bé sẽ cần bạn hoặc người chăm sóc nhiều hơn. Bé trở nên năng động, hào hứng và khám phá thế giới xung quanh bằng những kỹ năng mới.

Một trong những kỹ năng bắt đầu hình thành vào tháng thứ 7 là bò. Mặc dù không cố định ở tất cả bé, nhưng hầu hết bé hình thành kỹ năng bò trong khoảng 6 đến 10 tháng tuổi. Một số bé sẽ bò sớm hơn, một số bé bò muộn hơn và một số bé sẽ hoàn toàn bỏ qua.

Bạn cũng dễ nhận thấy rằng bé có kiểu bò khác với bạn tưởng tượng. Ngoài cách bò truyền thống, bé có thể bò lùi, bò cua và thậm chí là bò trườn. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Miễn là bé biết sử dụng cơ thể để di chuyển xung quanh và khám phá đồ vật trong nhà.

Để thúc đẩy sự vận động, bạn nên cho bé nhiều cơ hội khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, bạn cũng cần tuân thủ thói quen ngủ và ăn đúng giờ. Điều này vừa giúp cho bé có nề nếp sinh hoạt cụ thể vừa cho bạn thời gian nghỉ ngơi và làm việc cá nhân.

Một cột mốc quan trọng khác mà bé sẽ phát triển trong tháng thứ 7 liên quan đến ngôn ngữ và giao tiếp. Em bé sẽ tiếp tục bập bẹ như lúc 6 tháng tuổi, nhưng bé cũng có thể tạo ra những âm thanh cụ thể gắn liền với cảm xúc như hạnh phúc hay thất vọng.

Bé sẽ “nói chuyện” với bạn bằng cách tạo ra các âm thanh, xâu chuỗi các nguyên âm với nhau như “oh” và “ah” và các phụ âm như “mmm” và “bbb”.

Các mốc phát triển khác của bé bao gồm:

  • Chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia
  • Cuộn người từ trước ra sau và từ sau ra trước
  • Ngồi mà không cần hỗ trợ
  • Chịu nhiều trọng lượng hơn trên chân và nảy khi ở tư thế đứng
  • Nhận ra những gương mặt quen thuộc
  • Phản ứng với người lạ bằng cách tìm đến cha mẹ hoặc khóc.

Sức khỏe và sự an toàn của bé 7 tháng tuổi

Bé có thể bắt đầu mọc răng ở tháng thứ 7 và cảm giác bứt rứt, khó chịu. Cha mẹ cần lưu ý rằng không nên tự ý cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào trước khi trao đổi với Bác sĩ vì liều lượng cho bé cần dựa trên cân nặng,

Ngoài ra, vì bé hiếu động hơn nên nguy cơ bỏng, té ngã hay hóc dị vật cũng cao hơn. Do vậy, bạn cần thiết kế lại đồ đạc trong nhà, bảo vệ ổ cắm điện và hạn chế cầm đồ uống nóng trên tay. Thêm vào đó, bạn cần để ý các vật bé có thể kéo như rèm cửa, dây điện, chảo,…Hãy sắp xếp gọn gàng và đặt vật dụng lên cao tránh xa tầm tay của bé.

Khi nào cần gọi Bác sĩ

Tất cả em bé đều phát triển theo tốc độ riêng. Nếu bé chưa đạt một vài cột mốc thì cha mẹ hãy kiên nhẫn và cho bé thêm thời gian khám phá. Tuy nhiên, bạn cần liên hệ với Bác sĩ nếu tay chân hoặc người bé rất cứng hoặc mềm hoặc không ngẩng đầu lên trong tư thế ngồi. Ngoài ra, nếu bé không quan tâm đến xung quanh, không thể hiện cảm xúc (cười, nói chuyện) hoặc không dõi theo bạn thì bạn cần tham khảo ý kiến Bác sĩ.

Những câu hỏi thường gặp

Bé 7 tháng tuổi cần bổ sung thức ăn đặc biệt như cháo, bột, hoa quả nghiền nhẹ, và thậm chí là thịt nạc nếu được phép bởi bác sĩ. Cha mẹ cần chú ý cung cấp đủ các nhóm thức ăn như tinh bột, protein, và rau củ để đảm bảo bé có đủ dinh dưỡng cho sự phát triển.

Cha mẹ có thể đặt đồ chơi ở xa bé để kích thích bé bò hoặc trườn đến. Tương tác với bé bằng cách nói chuyện, đọc sách, và đặt ra câu hỏi đơn giản để khuyến khích sự phát triển của tư duy.

Bé 7 tháng tuổi cần có lịch trình ngủ đều đặn. Cha mẹ có thể thiết lập lề thói quen như tắm gọn gàng, đọc sách trước giờ ngủ, và tạo môi trường yên tĩnh để bé dễ dàng vào giấc ngủ.

Bé cần tiêm phòng đúng lịch trình do bác sĩ đề xuất. Hãy thường xuyên đo lường cân nặng và chiều cao của bé để theo dõi sự phát triển. Nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Cha mẹ cần đảm bảo rằng các đồ vật nguy hiểm như đồ chơi nhỏ, dây điện, và hóa chất được đặt xa tầm tay của bé. Đặt lồng chơi cho bé nơi an toàn để bé tự vận động mà không có nguy cơ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Lời kết

Đến tháng thứ 7, bé bắt đầu biết bò khắp nhà. Đồng thời, bé tập làm quen với thức ăn. Đây là giai đoạn thú vị nhưng cũng khó khăn cho cha mẹ. Do vậy, cha mẹ không nên kỳ vọng mọi điều thật hoàn hảo và tốt nhất. Bởi lẽ, đây không chỉ là quá trình học hỏi của bé mà còn là quá trình trau dồi kinh nghiệm làm cha mẹ. Điều quan trọng là cha mẹ và bé luôn tiến bộ và vui vẻ mỗi ngày.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sự tăng trưởng và phát triển của em bé, vui lòng liên hệ bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau sinh, vui lòng liên hệ bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh.

Nguồn tham khảo

1. Stanford Children’s Health. Infant sleep. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=infant-sleep-90-P02237
2. Stanford Children’s Health. Feeding guide for the first year. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=feeding-guide-for-the-first-year-90-P02209
3. Centers for Disease Control and Prevention. Clinical growth charts. https://www.cdc.gov/growthcharts/clinical_charts.htm
4. Washington University. Developmental milestones table. https://depts.washington.edu/dbpeds/Screening%20Tools/Devt%20Milestones%20Table%20%28B-6y%29%20PIR%20%28Jan2016%29.msg.pdf
5. American Academy of Pediatrics. Tips for keeping infants safe during sleep from the American Academy of Pediatrics. https://www.aap.org/en/news-room/news-releases/aap/2020/tips-for-keeping-infants-safe-during-sleep-from-the-american-academy-of-pediatrics/
6. American Academy of Pediatrics. Media and children. https://www.aap.org/en/patient-care/media-and-children/
7. American Academy of Pediatrics. Developmental milestones: 7 months. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Developmental-Milestones-7-Months.aspx
8. American Academy of Pediatrics. Starting solid foods. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Starting-Solid-Foods.aspx
9. Nemours KidsHealth. Your baby’s hearing, vision, and other senses: 7 months. https://kidshealth.org/en/parents/senses-7mos.html
10. American Academy of Pediatrics. Recommended drinks for young children ages 0-5. https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Recommended-Drinks-for-Young-Children-Ages-0-5.aspx
11. Greer FR, Sicherer SH, Burks AW, Committee on Nutrition, Section on Allergy and Immunology. The effects of early nutritional interventions on the development of atopic disease in infants and children: the role of maternal dietary restriction, breastfeeding, hydrolyzed formulas, and timing of introduction of allergenic complementary foods. Pediatrics. 2019;143(4):e20190281. doi:10.1542/peds.2019-0281. https://doi.org/10.1542/peds.2019-0281
12. Nemours Kids Health. Sleep and your 4- to 7-month-old. https://kidshealth.org/en/parents/sleep47m.html
13. Dosman CF, Andrews D, Goulden KJ. Evidence-based milestone ages as a framework for developmental surveillance. Paediatr Child Health. 2012;17(10):561-568. doi:10.1093/pch/17.10.561. https://doi.org/10.1093/pch/17.10.561

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)