Sự Phát Triển Và Cột Mốc Quan Trọng Em Bé 4 Tuần Tuổi

Sự Phát Triển Và Cột Mốc Quan Trọng Em Bé 4 Tuần Tuổi
BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ

Chào mừng em bé 1 tháng tuổi! Thật thú vị khi cuộc sống gia đình đã thay đổi thật nhiều dù chỉ mới trải qua bốn tuần ngắn ngủi. Bạn cảm thấy có nhiều trách nhiệm hơn, quan tâm đến từng chi tiết hàng ngày để mang đến những điều tốt nhất cho em bé và gia đinh.

Bốn tuần trước, có lẽ bạn vẫn chưa mường tượng ra được cuộc sống làm cha mẹ. Làm sao có thể chăm sóc một đứa trẻ khi bạn chưa học được cách giao tiếp với bé. Nhưng sau 1 tháng, bạn bắt đầu hiểu những tiếng ọ ẹ và từng cử động nhỏ của bé. Thật kì diệu, phải không nào?

Trong bài viết dưới đây là những kiến thức về sự tăng trưởng, phát triển và các cột mốc quan trọng cũng như cách chăm sóc em bé 4 tuần tuổi.

Cách chăm sóc em bé 4 tuần tuổi

Giai đoạn 4 tuần em bé bắt đầu ngẩng đầu 30-60 giây trong thời gian nằm sấp. Theo nguyên tắc chung, sự phát triển của bé bắt đầu từ trên xuống (từ đầu cổ xuống thân dưới). Vì vậy, qua từng tháng, bé sẽ học cách kiểm soát đầu và cổ, tiếp đến là cánh tay, thân mình và cuối cùng là chân.

Dù không quá khác biệt khi chăm sóc bé sơ sinh giữa các tuần nhưng cha mẹ cần lưu ý thêm một số thông tin chăm sóc bé 4 tuần tuổi như sau.

Giấc ngủ

Bé 4 tuần tuổi vẫn là trẻ sơ sinh, nghĩa là bé sẽ ngủ khoảng 16-18 giờ mỗi ngày. Khoảng thời gian ngủ 16-18 giờ của bé bao gồm cả những giấc ngủ ngắn và rất có thể, bé sẽ không ngủ quá 3-4 giờ mỗi cữ.

Bộ não của bé cần phát triển hơn nữa để bắt đầu chu kỳ ngủ – thức. Cho đến khi bé phân biệt rõ chu kỳ ngủ – thức, bạn cần sắp xếp thời gian cá nhân phù hợp với lịch sinh hoạt của bé giai đoạn này.

Bú sữa

Khi được 4 tuần tuổi, bé sẽ tiếp tục được bú theo nhu cầu . Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang cho con bú mẹ hoặc bú sữa công thức, bạn không cần quá lo lắng vì em bé có thể tự nhận biết nhu cầu. Nếu em bé ngủ ngon giấc, mỗi cữ bú sữa cách nhau 2-3 tiếng và lượng tã đều đặn trong ngày thì bạn hãy yên tâm rằng bé đã bú sữa đầy đủ.

Hăm tã

Bé 4 tuần tuổi vẫn có thể bị hăm tã. Bởi vì trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm hơn và  một số trường hợp da bé có thể phản ứng mạnh hơn với thành phần của tã. Đặc biệt, với điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, tình trạng hăm tã khá phổ biến. Để phòng ngừa và chăm sóc vị trí nếp kẽ dễ bị hăm tã, bạn cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Kiểm tra và thay tã cho bé thường xuyên ngay khi tã bẩn hoặc ướt.
  • Trước khi thay tã, cần dùng khăn mềm, lau sạch các vị trí nếp kẽ và thấm khô trước khi mặc tã mới cho bé.
  • Giữ thông thoáng khu vực mặc tã của bé càng nhiều càng tốt bằng cách sử dụng miếng lót thấm hút sơ sinh.
  • Đối với vùng da hăm nhẹ, bôi một lớp kem chống hăm trẻ em 1-2 lần/ngày.

Nếu vết hăm trở nên đỏ hơn hoặc xuất hiện đối xứng thì đây có thể là dấu hiệu nhiễm nấm da. Do vậy, bạn không nên tự ý bôi thuốc cho bé tại nhà. Hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.

Sự phát triển của bé 4 tuần tuổi

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), em bé 4 tuần tuổi bắt đầu quan sát xung quanh nhiều hơn và phản ứng lại với các âm thanh. Bé sẽ quay đầu về phía bạn khi bạn mở cửa bước vào phòng, đặc biệt hơn bé có thể nghe và phản ứng lại với giọng nói của bạn. Dù bé chỉ có thể nhìn rõ phía trước 30-50cm nhưng bạn có thể nhận thấy bé tỏ ra hào hứng khi thấy gương mặt của bạn. Lúc bế bé hãy nói chuyện và tương tác nhiều hơn vì bạn sẽ cảm thấy bé phản ứng linh hoạt hơn mỗi ngày.

Một số bé quấy khóc nhiều hơn và có dấu hiệu đau bụng hoặc khóc không dỗ được. Thời điểm bắt đầu cơn đau bụng vào khoảng 3-4 tuần tuổi. Cơn đau bụng của bé có xu hướng kéo dài từ 4 đến 6 tuần và giảm dần. Thông thường bé sẽ khỏi sau 12 tuần.

Tất cả bé sơ sinh đều có tốc độ phát triển không giống nhau. Tuy nhiên, 4 tuần tuổi đánh dấu một mốc phát triển nhanh của bé. Bắt đầu từ 1 tháng, cân nặng của bé tăng khoảng 500-800g mỗi tháng. Chiều dài tăng khoảng 2-3cm/tháng và chu vi còng đầu tăng khoảng 1cm/tháng

Sự phát triển thể chất của bé 4 tuần tuổi

Khi được 4 tuần tuổi,  AAP  giải thích rằng hầu hết các bé đều có thể:

  • Tăng khả năng kiểm soát đầu và ngẩng đầu lên khi nằm sấp
  • Di chuyển bàn tay của bé về phía khuôn mặt của cha mẹ
  • Có cử động cánh tay giật
  • Phản xạ của trẻ sơ sinh sẽ giảm dần trong vài tuần tới
  • Thích những vật chất liệu mềm mại hơn chất liệu thô ráp
  • Bày tỏ cảm xúc không thích nếu cha mẹ đặt xuống đột ngột
  • Nhận biết được sữa mẹ nếu bé được bú mẹ.

Ngoài ra, một số em bé còn còn có các biểu hiện khác như:

  • Có thể nắm chặt bàn tay
  • Thể hiện sự thích thú khi bạn gọi tên bé
  • Bắt đầu duỗi chân nhiều hơn thay vì gập chân

Sức khỏe và sự an toàn của em bé 4 tuần tuổi

Khi được 4 tuần tuổi, em bé được thăm khám sức khỏe đầu tiên kể từ lúc sinh vài ngày tuổi. Đây là hoạt động quan trọng bạn cần ghi chú cẩn thận. Trong lần thăm khám tháng đầu tiên, bác sĩ Nhi khoa sẽ theo dõi các cột mốc quan trọng như sự tăng trưởng và phát triển của bé. Do đó, nếu bạn cần thêm thông tin về về lượng sữa, giấc ngủ, cơn đau bụng của bé hoặc thậm chí tính chất/màu sắc của phân thì hãy trao đổi chi tiết với bác sĩ trong thời điểm này.

Bác sĩ nhi khoa cũng sẽ kiểm tra các chỉ số tăng trưởng của em bé như: cân nặng, chiều dài, vòng đầu, phản xạ, tổng trạng, thóp trẻ, vùng hậu môn – sinh dục, khớp háng (kiểm tra dị tật loạn sản phát triển khớp háng)…

Bạn có thể mang một cuốn sổ ghi chép những điều bạn thắc mắc trong tháng đầu chăm sóc bé để hỏi ý kiến bác sĩ. Đừng ngần ngại và xấu hổ vì khi hỏi những điều được cho là cơ bản. Bởi vì những thông tin bạn tự tìm hiểu cần sự xác nhận của các chuyên gia để bạn tự tin trên hành trình nuôi dạy em bé.

Em bé sẽ được tiêm chủng vào tháng thứ 2 theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y Tế. Vì vậy nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vắc- xin, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ ngay bây giờ.

>> Massage mang lại nhiều lợi ích cho bé, khi được 1 tháng tuổi là độ tuổi lý tưởng để thực hiện cách massage cho trẻ sơ sinh, xem ngay bài viết: Cách massage cho trẻ sơ sinh để bé dễ ngủ và phát triển tốt

Những câu hỏi thường

Nhìn chung, cha mẹ dần nhận biết được nhu cầu của bé thông qua tiếng khóc. Tuy nhiên, có thể bé vẫn quấy khóc nhiều do xuất hiện nhiều cơn đau bụng hơn. Vì vậy, cha mẹ hãy kiên nhẫn và bình tĩnh khi nghe tiếng khóc của bé. Giai đoạn khó chịu của bé sẽ giảm dần trong 2-3 tuần tới.

Phần lớn thời gian của bé là ngủ. Bé sơ sinh vẫn cần ngủ 16-18 giờ mỗi ngày để phát triển toàn diện.

Hầu hết các bé chưa biết cười nhưng bé có thể nhìn được khuôn mặt và biểu cảm của mẹ khi ôm bé vào lòng.

Con số cân nặng chuẩn không phải là thước đo cho mỗi bé. Mỗi bé sẽ có tốc độ tăng trưởng khác nhau, có tháng nhanh hơn có tháng chậm lại. Miễn là bé đang bú tốt, ngủ đủ và tăng cân đều thì cha mẹ có thể yên tâm là bé vẫn đang phát triển tốt.

Bé có thể ngẩng đầu khoảng 1 phút khi nằm sấp, cử động tay chân có chủ đích hơn và bắt đầu nhận ra khuôn mặt và giọng nói của mẹ.

Lời kết

Tuần thứ tư là cột mốc đầu tiên của em bé và của mẹ. Sức khỏe thể chất của bé có nhiều sự thay đổi và phát triển nhanh hơn. Đồng thời mẹ cũng hồi phục sức khỏe rõ rệt, do đó mẹ cảm thấy có nhiều thời gian hơn để xây dựng tình yêu thương và kết nối với bé.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sự tăng trưởng và phát triển của em bé, vui lòng liên hệ bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau sinh, vui lòng liên hệ bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh.

Nguồn tham khảo

1. Stanford Children’s Health. Infant sleep. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=infant-sleep-90-P02237
2. American Academy of Pediatrics. Developmental milestones: 1 month. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Developmental-Milestones-1-Month.aspx
3. U.S. National Library of Medicine. Colic and crying – self-care. https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000753.htm
4. Nemours KidsHealth. Your newborn’s growth. https://kidshealth.org/en/parents/grownewborn.html
5. Stanford Children’s Health. The growing child: 1 to 3 months. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=the-growing-child-1-to-3-months-90-P02166
6. Nemours KidsHealth. Your child’s checkup: 1 month. https://kidshealth.org/en/parents/checkup-1mo.html
7. Porto A. Gastroesophageal reflux & gastroesophageal reflux disease: Parent FAQs. American Academy of Pediatrics. https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/abdominal/Pages/GERD-Reflux.aspx
8. Moon R. How to keep your sleeping baby safe: AAP policy explained. American Academy of Pediatrics. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/A-Parents-Guide-to-Safe-Sleep.aspx
9. American Academy of Pediatrics. Back to sleep, tummy to play. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/Back-to-Sleep-Tummy-to-Play.aspx
10. American Academy of Pediatrics. Checkup checklist: 1 month old. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/Your-Childs-Checkups/Pages/Your-Checkup-Checklist-1-month-old.aspx
11. American Academy of Pediatrics. Rear-facing car seats for infants & toddlers. https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/on-the-go/Pages/Rear-Facing-Car-Seats-for-Infants-Toddlers.aspx
12. American Academy of Pediatrics. Common diaper rashes and treatments. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/diapers-clothing/Pages/Diaper-Rash.aspx

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)