Những điều cần biết khi mang thai để tốt cho mẹ, khỏe cho bé

những điều cần biết khi mang thai

BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ

Mang thai là quá trình vất vả nhưng cũng mang đến nhiều niềm hạnh phúc, nhất là khi mang thai lần đầu tiên. Hãy theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi về những điều cần biết khi mang thai để trang bị cho mình một kiến thức thật vững vàng để chào đón bé yêu ra đời mẹ nhé.

Khám thai định kỳ đúng lịch

Khám thai là điều quan trọng và không thể bỏ qua khi mẹ đang trong thai kỳ, đặc biệt là lần khám thai đầu tiên. Khi đi khám thai lần đầu, thai phụ sẽ được bác sĩ hỏi về thời gian kỳ kinh nguyệt cuối cùng để tính toán được tuổi thai và ước tính thời gian dự sinh.

Bên cạnh đó, mẹ bầu sẽ được làm kiểm tra sức khỏe toàn diện, bao gồm làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra vùng chậu và một số căn bệnh lây nhiễm thông qua đường tình dục (STDs). Đây đều là những bước cần thiết để biết được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi và phát hiện vấn đề nếu có dấu hiệu bất thường.

khám thai lần đầu tiên
Lần khám thai đầu tiên rất quan trọng để biết được tình trạng sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi

Thông thường, định kỳ mỗi tháng 1 lần, mẹ nên đi khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ. Khám thai giúp ba mẹ và bác sĩ nắm bắt được tình trạng của thai nhi ở những tuổi thai khác nhau, đồng thời cũng giúp sớm phát hiện được những bất thường (nếu có) trong quá trình phát triển của bào thai để có hướng điều trị phù hợp, kịp thời. Nếu vì lý do nào đó mà mẹ không thường xuyên đi khám thai được, thì vẫn không nên bỏ qua những mốc khám thai rất quan trọng sau đây:

  • Khám khi tuổi thai ở mốc 11-13 tuần: Ở tuổi thai này, ngoài kiểm tra sự phát triển của thai, bác sĩ sẽ đo độ mờ da gáy và làm xét nghiệm Double test để sàng lọc sớm bệnh Down.
  • Khám khi tuổi thai ở mốc 21-24 tuần: Bác sĩ sẽ thông qua siêu âm để phát hiện những điểm bất thường ở các bộ phận của thai như tim, cột sống, tay chân, thận, phổi, hộp sọ…
  • Khám khi tuổi thai ở mốc 30-32 tuần: Thời điểm này sẽ phát hiện được những dị tật bẩm sinh xuất hiện chậm ở thai nhi như cấu trúc não, động mạch, tim… Đồng thời cũng giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng dây rốn, nhau thai, nước ối…để có những tư vấn và điều chỉnh phù hợp cho mẹ.

Ngoài khám định kỳ, nếu mẹ xuất hiện những biểu hiện bất thường như ra máu, rò rỉ nước ối, đau bụng thì cũng cần nhanh chóng đi kiểm tra. Đây là một trong những điều cần biết khi mang thai mà mẹ cần trang bị.

Tại sao nên khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm những bất thường của bào thai

Tìm hiểu tiền sử bệnh lý trong gia đình

Mẹ bầu đừng chủ quan mà không kiểm tra tiền sử bệnh của cách thành viên trong gia đình nhé. Hãy thảo luận với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bà ngoại và mẹ để biết được chính xác tiền sử bệnh, các vấn đề di truyền và những dị thật thai nhi trong dòng họ nếu có. Tìm hiểu rõ điều này giúp mẹ bầu và gia đình có sự chuẩn bị cũng như biện pháp để chủ động phòng ngừa các vấn đề liên quan đến dị tật ở thai nhi.

Tiêm phòng đầy đủ

Tiêm phòng cũng là việc cần thiết và quan trọng khi mẹ có kế hoạch mang thai. Điều này giúp mẹ có thể ngăn ngừa được những nguy cơ mắc các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu trong thai kỳ hay dự phòng một số bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu cho thai nhi. Vì thế, mẹ cần nắm được lịch tiêm phòng khi mang thai để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Một số  ý kiến cho rằng việc tiêm vắc-xin khi mang thai sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến em bé. Tuy nhiên, hiện tại điều này là chưa có căn cứ chứng minh và tiêm vắc-xin khi mang thai vẫn được các bác sĩ chuyên môn khuyến khích vì đem lại lợi nhiều hơn hại. Một số loại vắc-xin mẹ nên tiêm khi mang thai:

  • Vắc-xin viêm gan B: an toàn đối với thai nhi.
  • Vắc-xin viêm gan A: nên tiêm nếu cơ địa mẹ bầu có nguy cơ mắc bệnh.
  • Vắc-xin uốn ván – bạch cầu – ho gà: nên tiêm khi thai từ 27 – 36 tuần tuổi.
  • Vắc-xin phòng cúm: nên tiêm trước khi tới mùa cúm.
  • Vắc-xin viêm màng não: an toàn với thai nhi.

Bên cạnh đó, một số vắc-xin mẹ bầu không nên tiêm trong thời gian mang thai là:

  • Vắc-xin phòng ngừa HPV
  • Vắc-xin cúm LAIV
  • Vắc-xin sởi – quai bị – rubella
  • Vắc-xin bại liệt (IPV)
Những điều cần biết khi mang thai
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa nguy cơ nhiễm nhiều loại virus khi mang thai

Chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai

Chế độ ăn uống là một trong những điều cần biết khi mang thai. Chế độ ăn phải đảm bảo cho thai nhi phát triển toàn diện và đảm bảo mẹ bầu luôn khỏe mạnh.

Các nhóm thực phẩm mẹ bầu nên ăn bao gồm:

  • Các loại tinh bột: gạo, bánh mì, ngũ cốc…Tuy nhiên mẹ nên tránh ăn quá nhiều tinh bột trong 1 bữa.
  • Thực phẩm giàu đạm: Thịt, trứng, sữa, các loại cá, đậu…
  • Rau xanh và chất xơ: Bổ sung đầy đủ chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng táo bón. Tuy nhiên, mẹ nên ăn vừa phải các loại hoa quả giàu đường hoặc nước ép quá ngọt để hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
  • Chất béo: dầu thực vật, bơ, mỡ động vật, các loại hạt như óc chó, macca…
  • Bổ sung đầy đủ sắt, canxi, vitamin tổng hợp, acid folic..
  • Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.

Axit Folic, một loại vitamin B, làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là ở não và tủy sống của em bé. Bắt đầu dùng vitamin hàng ngày với ít nhất 0,4 miligam (400 mcg) axit folic trước khi bạn mang thai, vì não và tủy sống của em bé bắt đầu phát triển sớm trong thai kỳ.

Mẹ bầu nên ăn gì?
Mẹ bầu cần bổ sung đủ các nhóm chất cần thiết để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của thai nhi

Những loại thực phẩm mẹ nên tránh là:

  • Rượu bia, cà phê, thuốc lá, nước ngọt đóng chai…
  • Các gia vị cay nóng: ớt, mù tạt, tiêu…
  • Các loại thực phẩm có tính hàn trong 3 tháng đầu thai kỳ như rau ngót, nước dừa…
  • Các loại cá sống ở tầng nước sâu vì chứa nhiều dư lượng thuỷ ngân như cá thu, cá ngừ…
  • Các loại thực phẩm có khả năng gây co tử cung như đu đủ xanh, dứa..
  • Thực phẩm chưa nấu chín như các món gỏi, món tái.
  • Thịt muối, thịt chua, thực phẩm chưa được tiệt trùng
Thực phẩm mẹ bầu nên tránh
Các loại thực phẩm mẹ bầu nên tránh

>>> Xem thêm: Khỏe mạnh khi mang thai: Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng và tập thể dục của bà bầu – Maternal & Child Nutrition

Tăng cân khi mang thai

Rất nhiều mẹ thắc mắc rằng không biết phải tăng bao nhiêu cân khi mang bầu mới là đủ.  Mẹ có thể căn cứ vào chỉ số BMI theo khuyến cáo của IOM (Viện Y học Hoa Kỳ) dưới đây: Chỉ số BMI ở người có cân nặng so với chiều cao bình thường là 18,5-24,9. Như vậy, nếu mẹ có chỉ số BMI trong khoảng bình thường trước khi mang thai thì nên tăng khoảng 11-16kg trong thai kỳ thì thai nhi sẽ có điều kiện phát triển tốt nhất.

mang thai tăng bao nhiêu cân là đủ
Tăng khoảng 11-16 kg trong thai sẽ là điều kiện phát triển tốt cho mẹ và bé

Những bất tiện khi mang thai

Một trong những điều cần biết khi mang thai để mẹ bầu chuẩn bị tinh thần là mẹ sẽ gặp một số bất tiện như ốm nghén, buồn nôn, táo bón,… khiến mẹ cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Một số hành động trước đây mẹ có thể thoải mái thực hiện như ngồi hoặc đứng trong thời gian dài sẽ không dễ dàng làm được khi mang thai.

Các loại vitamin cần thiết cho mẹ bầu

Vitamin B9 (axit folic) là một loại vitamin rất quan trọng đối với mẹ bầu để giúp ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh liên quan đến cột sống và não của thai nhi. Liều lượng axit folic được khuyến cáo dành cho bà bầu là 600 microgam/ngày. Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cũng cần bổ sung nhiều sắt hơn bình thường để cung cấp đủ máu và mang oxy đến thai nhi.

Một số mẹ bầu sử dụng vitamin tổng hợp để bổ sung được tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết, tuy nhiên một số loại vitamin có thể gây hại đến thai nhi nếu bổ sung quá nhiều. Chính vì vậy, khi đi khám thai lần đầu tiên, mẹ bầu hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ về các loại vitamin đang sử dụng và xin lời khuyên nhé.

bổ sung vitamin cho mẹ bầu
Mẹ bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi muốn sử dụng vitamin trong thai kỳ

Tham gia các lớp học tiền sản

Các lớp học tiền sản sẽ cung cấp cho mẹ bầu những kiến thức liên quan đến việc mang thai, sinh con, chăm sóc trẻ sơ sinh,… Khi tham gia các khóa học này, mẹ bầu sẽ được chuyên gia hướng dẫn những kỹ năng chăm sóc em bé sơ sinh như cho con bú, cho con ngủ, cách vệ sinh, thay tã và những kinh nghiệm khác để giúp con phát triển khỏe mạnh. Nếu không có thời gian tham gia các khóa học này thì mẹ bầu có thể tự học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đã có kinh nghiệm trong gia đình hoặc xung quanh nhé.

Những dấu hiệu thai kỳ nguy hiểm mẹ bầu nên biết

Bên cạnh những điều cần biết khi mang thai mà chúng tôi đã đề cập, mẹ cũng cần chú ý những dấu hiệu nguy hiểm trong quá trình mang thai để có những biện pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời:

  • Đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ trong thời gian dài, vị trí đau là giữa bụng hoặc vùng trên rốn kèm cảm giác buồn nôn, nôn. Điều này có thể là do các vấn đề về tiêu hoá, đau dạ dày, trào ngược, ngộ độc thức ăn hoặc tiền sản giật…
  • Đau bụng dưới một bên hoặc hai bên có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ chửa ngoài tử cung, dọa sảy, sinh non…
  • Phù tay chân kèm theo giảm thị lực, đau đầu đột ngột, buồn nôn… có thể là biểu hiện cảnh báo tiền sản giật.
  • Sốt, sốt cao trên 39 độ nhưng không kèm các biểu hiện cảm cúm hoặc cảm lạnh thì cần nghĩ tới nguy cơ nhiễm trùng, mẹ nên tới gặp bác sĩ ngay lập tức.
Biểu hiện nguy hiểm khi mang thai
Nếu mẹ bầu không thấy thai máy như bình thường thì cần nhanh chóng đi kiểm tra

>>> Xem thêm video: Mẹ Cần Chuẩn Bị Những Gì Trước Khi Mang Thai

Thời gian dự sinh không đúng dự kiến

Theo thống kê, chỉ có khoảng 5-10% mẹ mang thai sinh con đúng ngày dự kiến sinh. Ngày dự kiến sinh được xác định dựa vào thời điểm bắt đầu của kỳ kinh cuối hoặc kết quả siêu âm 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu đến ngày dự kiến sinh mà mẹ chưa thấy các dấu hiệu của sự chuyển dạ thì mẹ cũng không cần quá lo lắng. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, nếu quá ngày dự sinh, mẹ nên đi khám để xác định tình trạng của bé và nhận được tư vấn của bác sĩ.

Sinh sớm hơn ngày dự sinh
Chỉ có khoảng 5-10% mẹ bầu sinh con đúng ngày dự sinh

Bên cạnh đó, có không ít mẹ lo lắng khi mỗi lần khám thai bác sĩ lại dự kiến một ngày dự sinh khác nhau. Trên thực tế, tuỳ thuộc vào sự phát triển nhanh hoặc chậm hơn bình thường của thai nhi mà máy sẽ tính toán và đưa ra ngày dự sinh khác nhau. Vì thế, mẹ cần định kỳ khám và theo dõi sự phát triển của thai nhi đồng thời nhận tư vấn nếu phát hiện điểm bất thường.

Nhận biết kịp thời các dấu hiệu chuyển dạ

Mẹ cũng cần nắm được dấu hiệu chuyển dạ để có sự chuẩn bị trước, sẵn sàng đến bệnh viện kịp thời. Thời điểm chuyển dạ thường ở tuần thai thứ 38 trở đi. tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chuyển dạ sớm hơn. Các dấu hiệu hay gặp là:

  • Đau lưng và dần chuyển ra phía trước bụng và lan xuống bụng dưới.
  • Tử cung co thắt với các biểu hiện đau bụng đều đặn từng cơn, có cơn gò khoảng 1-2 cơn trong 10 phút và tăng dần mức độ và tần suất gò.
  • Ra máu đỏ hoặc hồng.
lưu ý mẹ bầu cần biết khi mang thai
Mẹ bầu nên nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ để có sự chuẩn bị trước, sẵn sàng đến bệnh viện kịp thời

Ngoài ra, khi có những biểu hiện sau đây, có thể không kèm theo đau bụng, mẹ cần đến bệnh viện:

  • Ra máu đỏ tươi với lượng nhiều.
  • Rò ối nhiều từ âm đạo.

Một số lưu ý dành cho mẹ bầu

Mẹ cũng cần lưu ý những điều cần biết khi mang thai sau đây:

  • Tránh massage bụng, xoa bụng vì có thể kích thích tử cung dẫn tới sinh non.
  • Không nên lạm dụng siêu âm, chỉ nên siêu âm khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Vận động nhẹ nhàng, vừa sức, tránh vận động mạnh hoặc các hoạt động không phù hợp nếu bác sĩ khuyên không nên thực hiện.
  • Chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng.
  • Không xoa nắn ngực hoặc vê đầu ti trong thai kỳ vì có thể dẫn đến co thắt tử cung, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
  • Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo vì có khả năng gây dị ứng hoặc lây lan những vi khuẩn có hại cho thai nhi.
  • Kiêng quan hệ tình dục ở những tháng đầu thai kỳ. Những tháng sau đó có thể quan hệ bình thường nhưng nên lựa chọn những tư thế phù hợp với những động tác nhẹ nhàng, tránh động thai.

Những câu hỏi thường gặp về những điều cần biết khi mang thai

Khi mang thai sức đề kháng của người mẹ sẽ có sự suy giảm do đó dễ mắc cúm hơn bình thường. Nếu không may gặp phải tình trạng này, mẹ nên thận trọng khi sử dụng những loại thuốc trị cảm cúm vì một số thuốc có khả năng ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của em bé trong bụng mẹ không nên sử dụng. Tốt nhất, mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ trước khi quyết định dùng bất cứ thuốc gì.

Mệt mỏi là biểu hiện thường gặp của mẹ bầu. Điều này là do sự thay đổi hormon cũng như việc tăng cường lưu thông máu có thể làm gia tăng cảm giác mệt mỏi. Mẹ có thể cải thiện điều này bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất và đảm bảo ngủ đủ giấc.

Một số biến chứng và nguy cơ nguy hiểm có thể gặp khi mang thai bao gồm: Tiểu đường thai kỳ, cạn ối, rò ối, nhau thai bám thấp, tiền sản giật… Điều này có thể dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của cả mẹ và bé, do vậy mẹ nên duy trì khám thai định kỳ để phát hiện sớm những nguy cơ này.

Nắm được nhiều kiến thức về những điều cần biết khi mang thai, mẹ sẽ cảm thấy tự tin, bớt lo lắng và duy trì được một thai kỳ khỏe mạnh. Đừng ngại ngần mà hãy nhờ tới những sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Sản về những thắc mắc mẹ gặp phải trong suốt thai kỳ nhé.

thong tin felisa momspa

  1. Pregnancy: Signs, Symptoms, Overview, & Health Tips You Should Know. https://www.healthline.com/health/pregnancy
  2. 10 Things That Might Surprise You About Being Pregnant (for Parents) – Nemours KidsHealth. https://kidshealth.org/en/parents/pregnancy.html
  3. Grenier LN, Atkinson SA, Mottola MF, Wahoush O, Thabane L, Xie F, Vickers-Manzin J, Moore C, Hutton EK, Murray-Davis B. Be Healthy in Pregnancy: Exploring factors that impact pregnant women’s nutrition and exercise behaviours. Matern Child Nutr. 2021 Jan;17(1):e13068. doi: 10.1111/mcn.13068. Epub 2020 Jul 23. PMID: 32705811; PMCID: PMC7729656. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7729656/

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)