Các Mốc Phát Triển Quan Trọng Của Bé 30 Tháng Tuổi

Các Mốc Phát Triển Quan Trọng Của Bé 30 Tháng Tuổi
BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ
Qua 2 tuổi, cha mẹ có thể gặp khó khăn trong việc dạy bé những việc nên làm và không nên làm. Ở những lần đầu tiên, bé sẽ không chấp nhận hành động theo lời đề nghị của cha mẹ và một số bé tỏ ra thích thú khi làm ngược lại lời hướng dẫn của cha mẹ. Đây là tình huống bình thường và bạn cần kiên nhẫn. Chỉ cần bạn lặp đi lặp lại lời hướng dẫn và hành động mẫu cho bé xem, dần dần bé sẽ bắt chước hành động của bạn.

Trong tháng thứ 30, cha mẹ cần quan tâm đến cách chăm sóc và nuôi dạy bé. Đồng thời, quan sát các mốc phát triển và tăng trưởng quan trọng của bé 30 tháng tuổi.

Sự phát triển của bé 30 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, bé đã biết tự lấy quần áo, tự chơi và kỹ năng ăn uống của bé cũng tốt hơn. Do vậy, đây là thời điểm nhiều cha mẹ lựa chọn cho bé làm quen với nhà trẻ. Cha mẹ cần sẵn sàng khi bé khóc lóc, quấn quít và không muốn vào lớp cùng cùng cô giáo khi bạn đưa bé đến lớp. Ngay cả khi chiều bé vẫn chơi đùa vui vẻ và ca hát thì việc khóc lóc vẫn có thể tiếp tục diễn ra vào sáng hôm sau. Cha mẹ không nên rời khỏi bé một cách đột ngột, hãy an ủi, nói chuyện và giải thích rằng bạn sẽ luôn quan sát bé trong lớp và đón bé vào buổi chiều. Bằng cách động viên bé và làm cho bé cảm thấy an toàn, bé sẽ dần chấp nhận rời ba mẹ để làm quen với môi trường mới.

Ngoài ra, cha mẹ có thể nói chuyện, trao đổi về những việc diễn ra ở lớp cùng bé vào buổi tối. Từ đó khuyến khích và tạo ra trạng thái tích cực, háo hức cho bé vào sáng hôm sau. Nếu bé có một món đồ chơi hoặc chiếc gối chiếc chăn quen thuộc thì có thể cho bé mang đến lớp. Việc đem một món đồ quen thuộc và yêu thích đến nơi xa lạ sẽ giúp bé có cảm giác an toàn hơn.

Mặt khác, đây là thời điểm thích hợp để đặt ra một số quy tắc cho bé nhằm điều chỉnh hành vi xã hội của bé. Cha mẹ đừng vội vàng và mong đợi bé sẽ tuân thủ ngay. Bé sẽ chưa hiểu điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Do vậy, cha mẹ cần chậm rãi giải thích và lặp lại lời giải thích “vì sao” vào các tình huống diễn ra hàng ngày. Nguyên tắc cho cha mẹ là hãy rõ ràng và nhất quán trong lời hướng dẫn và hành động của bản thân. Đồng thời có sự thống nhất về cách giáo dục con cái giữa cha và mẹ.

Dinh dưỡng của bé 30 tháng tuổi

Mặc dù bé sẽ yêu thích một số món ăn nhất định nhưng bạn cần tiếp tục giới thiệu các thực phẩm mới được chế biến theo các hương vị và kết cấu khác nhau. Một số món bé sẽ từ chối thử nhưng bạn cần tập cho bé thử từng chút một và trang trí bắt mắt hơn để thu hút bé thử lại.

Một số bé không ăn nhiều rau quả và trái cây, đặc biệt một số loại rau quả có vị đắng, chua hoặc có mùi khác lạ. Một mẹo để bé ăn rau nhiều hơn là bạn có thể thử cắt rau củ thành các sợi nhỏ và cho bé chấm với một số loại nước sốt hoặc chế biến thành các loại bánh. Cách này vừa làm giảm mùi hoặc vị của rau củ vừa giúp kích thích bé thử món ăn mới.

Bé hơn 2 tuổi vẫn cần ăn đủ ba bữa chính và hai bữa phụ mỗi ngày. Nguyên tắc trong độ tuổi này cung cấp đa dạng các loại thực phẩm từ đủ các nhóm rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, đạm và sữa hàng ngày. Bé không cần khẩu phần ăn quá nhiều, miễn sao bé vẫn tăng cân và tăng trưởng đều đặn theo biểu đồ tăng trưởng. Ngoài ra, các bác sĩ khuyên trẻ từ 1 đến 3 tuổi nên bổ sung 700 mg canxi mỗi ngày.

Giấc ngủ của bé 30 tháng tuổi

Giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với bất kỳ em bé nào. Lịch ngủ đều đặn 11-12 giờ vào ban đêm và 1,5-3 giờ vào ban ngày giúp bé tăng trưởng chiều cao và phát triển trí não toàn diện.

Đối với bé 30 tháng tuổi, hiện tượng mất ngủ có thể xảy ra. Nếu trước đây con bạn ngủ ngon vào ban đêm nhưng đột nhiên thức giấc, điều đó có thể làm gián đoạn sinh hoạt thường ngày của cả gia đình. Một số bé trở nên sợ bóng tối và một số bé cảm thấy lo lắng khi xa cha mẹ. Nếu bé không gặp các vấn đề về sức khỏe khiến bé thức giấc thì bạn nên trấn an bé tại giường và vỗ về để bé ngủ lại.

Các cột mốc tăng trưởng của bé 30 tháng tuổi

Các cột mốc xã hội/tình cảm

  • Chơi cạnh những đứa trẻ khác và đôi khi chơi cùng nhau
  • Bé thể hiện cách bé làm và đạt được điều gì đó cha mẹ thấy
  • Làm theo những thói quen đơn giản khi được yêu cầu, chẳng hạn như giúp dọn đồ chơi khi bạn nói: “Đã đến giờ dọn dẹp”.

Các mốc quan trọng về ngôn ngữ/giao tiếp

  • Nói khoảng 50 từ
  • Nói hai từ trở lên cùng nhau, kèm theo một từ hành động thể hiện
  • Kể tên các đồ vật trong sách khi bạn chỉ và hỏi “Đây là gì?”
  • Xưng “con” hoặc tên/biệt danh của bé khi nói chuyện

Các cột mốc nhận thức (học tập, tư duy, giải quyết vấn đề)

  • Sử dụng đồ vật để chơi trò giả vờ, chẳng hạn như cho búp bê ăn bằng các món đồ chơi khác và xem như đó là thức ăn
  • Thể hiện các kỹ năng giải quyết vấn đề đơn giản, như đứng trên một chiếc ghế nhỏ để với lấy vật gì đó
  • Làm theo hướng dẫn gồm hai bước như “Đặt đồ chơi xuống và đóng cửa lại”.

Các mốc phát triển thể chất/chuyển động

  • Dùng tay để vặn đồ vật, như xoay tay nắm cửa hoặc mở nắp
  • Tự cởi một số quần áo, chẳng hạn như quần rộng hoặc áo khoác
  • Nhảy lên khỏi mặt đất bằng cả hai chân
  • Lật từng trang sách khi bạn đọc cho bé nghe

Một số hoạt động giúp bé học tập và phát triển

Là người chăm sóc chính và theo từng hoạt động của bé, cha mẹ có thể giúp bé học tập để phát triển trí não. Sau đây là một số hoạt động để giúp bé phát triển thể chất, vận động và nhận thức của bé:

  • Khuyến khích bé “chơi tự do” để bé có thể làm theo sở thích riêng, thử làm những điều mới và sử dụng mọi thứ theo những cách khác nhau.
  • Sử dụng những từ ngữ tích cực khi nói chuyện và chú ý nhiều hơn đến hành vi bạn muốn bé làm hơn là những hành vi bạn không muốn.
  • Cho bé lựa chọn thực phẩm hoặc quần áo mặc hàng ngày. Lưu ý bạn nên giới hạn sự lựa chọn ở mức hai hoặc ba đồ vật.
  • Hỏi bé những câu hỏi đơn giản về những nhân vật và tình tiết trong sách và truyện bằng cách sử dụng câu hỏi ngắn như “ai”, “cái gì”, “ở đâu”.
  • Giúp bé hòa nhập và chơi với các bé khác. Hãy chỉ cho bé cách chia sẻ đồ chơi, thay phiên nhau và sử dụng lời đề nghị để chơi cùng nhau
  • Tăng cường sự sáng tạo bằng cách cho bé vẽ trên giấy hoặc tập tô màu.
  • Tham gia ăn uống cùng gia đình nhiều nhất có thể. Cả gia đình có thể tận hưởng khoảnh khắc ấm áp cùng nhau và tránh sử dụng thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính… trong bữa ăn.
  • Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính…30-40 phút mỗi ngày cho các chương trình trẻ em. Các bé nhỏ cần học cách nói chuyện, vui đùa và tương tác với người khác hơn là ngồi trước màn hình.
  • Sử dụng các từ để mô tả sự vật xung quanh như lớn/nhỏ, nhanh/chậm, bật/tắc, ra/vào.
  • Chơi cùng bé và giúp bé giải các câu đố đơn giản với hình dạng, màu sắc hoăc động vật.
  • Tạo khoảng thời gian chơi ngoài trời cùng bé.
  • Để bé ăn uống theo nhu cầu, có những bữa bé sẽ ăn nhiều có những bữa ăn ít hơn. Và đây là điều bình thường. Nhiệm vụ của cha mẹ là cung cấp các món ăn đa dạng và bé sẽ lựa chọn có muốn thử hoặc tiếp tục ăn không.

Những câu hỏi thường gặp

Bé 30 tháng tuổi thường có khả năng nói khoảng 50 từ, kết hợp từ để tạo thành câu và có thể chỉ tên các vật dụng. Bé cũng bắt đầu sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt nhu cầu cá nhân và giao tiếp với người khác.

Cha mẹ nên thường xuyên nói chuyện và đặt câu hỏi đơn giản cho bé, khuyến khích bé mô tả và kể tên các đồ vật. Việc đọc sách và kể chuyện cũng rất hữu ích trong việc phát triển ngôn ngữ của bé.

Ở giai đoạn này, bé thường có khả năng tự mình cởi một số quần áo, nhảy lên từ mặt đất và sử dụng tay để vặn đồ vật. Sự phát triển thể chất này giúp bé ngày càng hoạt bát và khéo léo hơn trong các hoạt động hàng ngày.

Cha mẹ có thể tạo các trò chơi vận động như nhảy, chạy, leo trèo để kích thích sự phát triển vận động của bé. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động ngoài trời và khuyến khích bé tham gia vào các trò chơi có cấu trúc cũng rất quan trọng.

Bé ở độ tuổi này cần được cung cấp một chế độ ăn đa dạng, bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc, protein và sữa. Cha mẹ nên chú trọng đến việc giới thiệu các loại thức ăn mới và khuyến khích bé tự lựa chọn thức ăn, nhưng cũng cần đảm bảo bé nhận được đủ dưỡng chất cần thiết.

Lời kết

Khi bé được 30 tháng tuổi, bé sẽ phát triển nhiều kỹ năng về thể chất và trí não. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần chú trọng xây dựng thói quen và các hành vi tích cực của bé. Đồng thời giúp bé bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng và lành mạnh.

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)