Các Mốc Phát Triển Quan Trọng Của Bé 21 Tháng Tuổi

Các Mốc Phát Triển Quan Trọng Của Bé 21 Tháng Tuổi
BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ
Khi bé được 21 tháng tuổi, trí tưởng tượng sẽ phát triển mạnh mẽ. Bé có thể sử dụng trí tưởng tượng để chơi nhiều cách khác nhau. Đồng thời, khả năng tưởng tượng của bé vẫn tiếp tục khi vào giấc ngủ đêm. Do đó bé có những giấc mơ sống động và có thể thức giấc giữa đêm.

Trong bài viết dưới đây, cha mẹ cùng tìm hiểu các mốc phát triển quan trọng và cách chăm sóc, vui chơi cùng em bé 21 tháng tuổi.

Các mốc phát triển của bé 21 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, cha mẹ sẽ cảm thấy thú vị với những khả năng của bé mỗi ngày. Bé bắt đầu làm những điều mới mẻ, phát triển kỹ năng và bộc lộ tính cách rõ ràng hơn. Mặc dù mỗi bé có tốc độ phát triển riêng, nhưng trong tháng thứ 21 cha mẹ sẽ thấy con làm những điều dưới đây:

– Học cách trốn tìm. Ở độ tuổi này, một số bé yêu thích chơi trò chơi trốn tìm. Bé sẽ nhớ nơi cất giấu mọi thứ và cũng sẽ thích chơi trốn tìm với bạn. Trò chơi có thể giúp bé hiểu rằng ngay cả khi bé không nhìn thấy bạn, bạn vẫn ở đó. Và bé thích cảm giác hồi hộp khi chờ đợi bạn phát hiện ra khi đang trốn trong tủ hoặc sau ghế sofa.

–  Hào hứng với trò chơi giả vờ. Tất cả các loại trò chơi đều giúp bé học hỏi và bằng cách tham gia vào các trò chơi tưởng tượng hoặc giả vờ, em bé sẽ hiểu được cách các mối quan hệ hoạt động và cách mọi người tương tác với nhau. Bé có thể bắt chước những hành động đã quan sát thấy người khác làm bằng cách giả vờ gọi điện thoại, giả vờ lái xe hoặc giả vờ uống một món đồ chơi. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý, bạn sẽ chưa thấy bé hợp tác chơi cùng em bé khác mà thường chơi theo cách song song.

– Đặc điểm sở hữu ở bé. Bé có thể sở hữu một số món đồ chơi yêu thích hoặc người thân thiết. Dễ thấy là khi bạn bế một em bé khác hoặc nếu một đứa trẻ khác có một món đồ chơi mà con bạn thấy hấp dẫn. Tuy nhiên, cha mẹ đừng lo lắng. Đây là điều thường xảy ra giai đoạn 1,5-2 tuổi và bạn có thể hướng dẫn bé chia sẻ đồ chơi với người khác.

Các hoạt động hỗ trợ sự phát triển của bé 21 tháng tuổi

Cha mẹ hãy tham khảo những lời khuyên và hoạt động sau đây để giúp hỗ trợ sự phát triển của bé 21 tháng tuổi:

– Khuyến khích sự sáng tạo bé. Cha mẹ có thể cho bé cắm trại trong nhà hoặc để bé tự xây dựng một không gian riêng của bé. Ngoài ra, bạn có thể cho bé tiếp xúc một số đồ dùng thủ công, giấy hoặc màu vẽ để bé tự do sáng tạo. Việc đồng hành cùng bé sẽ giúp phát huy khả năng sáng tạo và giao tiếp của bé.

– Tập đánh răng. Đánh răng hai lần mỗi ngày là một phần thiết yếu trong thói quen hàng ngày của bé, nhưng đây là thời điểm bạn có thể tập cho bé tự đánh răng. Hãy kể cho bé những câu chuyện thú vị trong lúc hướng dẫn bé đánh răng hoặc luyện tập trên thú bông. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy thú vị với hoạt động hàng ngày, đồng thời giúp bé phát huy sự độc lập và tự giác trong các hoạt động cá nhân.

– Vận động và chơi đùa mỗi ngày. Hầu hết các bé mới biết đi có nhiều năng lượng nên thường không thể ngồi yên một chỗ. Cha mẹ nên khuyến khích và tạo nhiều môi trường khác nhau để bé vận động và giúp bé đốt năng lượng thông qua trò chơi vận động. Lý tưởng nhất là có ít nhất 30 phút hoạt động do người lớn hướng dẫn và ít nhất một giờ chơi tự do mỗi ngày. Việc tập thói quen vận động ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé hạn chế thời gian ngồi trước màn hình thiết bị sớm và làm cho bé linh hoạt, sáng tạo hơn.

– Khuyến khích bé giúp đỡ việc nhà. Nhiều em bé thích giúp đỡ việc nhà, đặc biệt là bếp núc. Vì vậy bạn có thể cho con tham gia một số công việc đơn giản và an toàn. Ví dụ như giúp nhặt ra, cùng đi mua sắm và lựa chọn đồ ăn, rửa rau củ quả…Những việc nhỏ hàng ngày giúp bé có thêm từ vựng, phát triển tư duy quan sát và phát huy sự khéo léo của bé. Tuy nhiên, hãy luôn giám sát bé và ngăn bé tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao, kéo) để tránh nguy hiểm cho bé.

Dinh dưỡng cho bé 21 tháng tuổi

Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh là rất quan trọng để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của bé. Bé cần được cung cấp ba bữa ăn chính và hai bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Chế độ ăn của bé nên bao gồm nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, protein, sữa, rau, trái cây và chất béo lành mạnh.

Để tăng cường phát triển vị giác và đa dạng bữa ăn, bạn có thể giới thiệu nhiều món ăn mới và thử làm món ăn khác với thực phẩm bé từng từ chối. Cụ thể, mẹ hãy thử những cách khác nhau để nấu rau củ quả. Bạn có thể phát hiện ra rằng con thích cà rốt xào hơn là hấp, hoặc bé sẽ ăn bông cải xanh hấp nếu được cắt nhỏ.

Ngoài ra, cha mẹ nên để trẻ tham gia chọn thực phẩm. Bạn sẽ khuyến khích bé quan sát và chọn những món đồ ăn bé thích hoặc đưa ra gợi ý. Đồng thời, giới thiệu các thực phẩm mới và mời bé trải nghiệm. Bé sẽ trở nên hào hứng và cảm thấy thú vị với quá trình ăn uống hàng ngày nếu được chọn và tham gia vào quá trình tạo ra món ăn cho bản thân.  Thêm vào đó, bé đã có thể ăn cùng cha mẹ như một gia đình. Do đó, bạn không cần sử dụng nguyên liệu riêng để làm thức ăn cho bé mà cho bé ăn các món tương tự gia đình. Bằng cách này, bé sẽ nhìn thấy các thành viên ăn uống ngon miệng và bắt chước gia đình. Nếu bé thấy bạn ăn món mới, bé cũng dễ dàng thử và trải nghiệm thức ăn mới.

Một gợi ý khác cho bữa ăn đa dạng hơn là thử nghiệm với các món yêu thích của bé. Nếu con không chịu thử các loại thực phẩm khác nhau, bạn nên sáng tạo các món ăn mới bằng nguyên liệu mà bé đã yêu thích và bổ sung thêm một số nguyên liệu mới. Ví dụ, bạn thêm một loại rau mới làm cùng bột gạo hoặc đặt một loại trái cây mới lên trên một muỗng kem.

Giấc ngủ của bé 21 tháng tuổi

Hầu hết em bé cần ngủ từ 11 đến 14 giờ với một giấc ngủ ngắn mỗi ngày. Tuy nhiên, bé có thể gặp một số khó khăn trong giấc ngủ vì những giấc mơ sống động.

Bé có thể thức dậy vào ban đêm vì những giấc mơ hoặc ác mộng và bé có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa giấc mơ và thực tế. Có một số điều bạn có thể làm để giúp con có được một giấc ngủ yên bình như:

  •  Bắt đầu để ý đến những câu chuyện bạn đọc trước khi đi ngủ. Bạn cần lựa chọn cuốn sách hoặc những câu câu chuyện vui vẻ, êm dịu. Đồng thời tránh đề cập đến những nhân vật hoặc những chủ đề khiến bé sợ hãi.
  • Để cho bé ngủ với món đồ chơi hoặc chiếc chăn yêu thích. Những đồ vật này có thể giúp bé cảm thấy yên tâm và giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn khi chìm vào giấc ngủ hoặc khi thức dậy vào ban đêm.
  •  Vỗ về và mang lại sự yên tâm khi bé thức giấc. Nếu em bé thức dậy sau một giấc mơ tồi tệ và òa khóc, bạn hãy vỗ về và trấn an bé rằng mọi thứ đều ổn. Đồng thời liên tục lặp lại rằng bạn luôn ở bên cạnh và bé sẽ được an toàn. Bạn cũng cần nhớ giữ sự yên tĩnh, không bật đèn và không bế bé ra khỏi giường để khuyến khích bé tự ngủ lại.

Sức khỏe và sự an toàn của bé 21 tháng tuổi

Làn da của một số bé khá nhạy cảm và thỉnh thoảng các vấn đề về da có thể gặp. Dưới đây là một số vấn đề về da mà bé có thể mắc phải:

  •  Da khô và bong vảy. Một số bé có cơ địa da khô và việc tắm nước nóng mỗi ngày càng khiến da bé trở nên khô ráp. Cha mẹ cần lưu ý, nước tắm cho bé không nên quá nóng và cần bôi dưỡng ẩm bảo vệ da ngay sau khi tắm.
  • Viêm da cơ địa. Khi bé bị viêm da cơ địa, da sẽ khô và ửng đỏ. Ở giai đoạn cấp, da có nhiều mụn nước kèm rỉ dịch. Nếu bạn thấy các triệu chứng tương tự, hãy đưa bé đến khám da liễu để bôi thuốc và ngăn ngừa nhiễm khuẩn da. Đồng thời, bạn cần cho bé mặc quần áo mềm, tránh loại vải thô hoặc bó sát. Đối với một số bé có cơ địa dị ứng, bác sĩ sẽ tư vấn thêm về ăn uống để hạn chế các yếu tố khởi phát viêm da của bé.
  •  Phát ban hoặc viêm da tiếp xúc. Phát ban có thể xảy ra nếu da tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng. Ngoài ra, bé vận động và tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều hơn nên có thể dễ mắc viêm da tiếp xúc do côn trùng, kiến,… Tuy nhiên, các triệu chứng thường giới hạn và cải thiện sau vài ngày bôi thuốc.

Những câu hỏi thường gặp

Bé 21 tháng thường có khả năng vận động tốt, thể hiện qua việc chạy, nhảy, và leo trèo một cách linh hoạt. Bé thích khám phá môi trường xung quanh và tham gia vào các trò chơi năng động.

Bé 21 tháng tuổi có khả năng nói từ và cụm từ đơn giản, thể hiện nhu cầu và cảm xúc qua ngôn ngữ, và bắt đầu hiểu chỉ thị từ người lớn.

Bé 21 tháng có thể biểu hiện rõ ràng cảm xúc như vui mừng, giận dữ, hoặc buồn và bắt đầu học cách tự làm dịu cảm xúc của mình.

Hoạt động phù hợp bao gồm trò chơi giả vờ, trò chơi vận động, và các hoạt động khám phá ngoài trời. Các trò chơi này thúc đẩy sự phát triển tư duy và kỹ năng xã hội.

Cha mẹ nên khuyến khích sự độc lập, cung cấp môi trường an toàn để khám phá, và tham gia chơi cùng bé. Đồng thời, việc dạy bé những kỹ năng mới và hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cũng rất quan trọng.

Lời kết

Khi bé được 21 tháng tuổi, bé trở nên tò mò và tham gia nhiều các hoạt động hàng ngày. Cha mẹ nên hướng dẫn bé các kỹ năng đánh răng, thay quần áo hoặc khuyến khích bé tham gia các hoạt động gia đình. Bằng việc khuyến khích, động viên bé tham gia sẽ giúp bé tự tin hơn trong tương lai.

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Question and answer (0 comments)