Tư vấn chuyên môn bài viết
BS. CKI. Tô Văn Vinh
Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ
Trong bài viết dưới đây, cha mẹ cùng tìm hiểu các mốc tăng trưởng và phát triển của em bé 2 tuổi. Đồng thời nắm bắt một số lưu ý về chăm sóc bé trong giai đoạn 2 tuổi.
Mục lục
Các mốc phát triển của bé 2 tuổi
Không có em bé nào có chặng hành trình phát triển giống nhau và mỗi bé sẽ đạt các cột mốc phát triển không giống nhau. Dù vậy, bạn có thể nhận thấy một số cột mốc phát triển quan trọng của bé như sau:
Các cột mốc xã hội và cảm xúc
- Bé thích bắt chước biểu cảm và hành động của cha mẹ hoặc những đứa trẻ khác
- Trở nên hào hứng, năng động khi ở bên những đứa trẻ khác
- Bé trở nên hoạt bát và độc lập hơn
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Tìm cơ hội để tham gia vui chơi và trò chuyện với bé. Vào thời gian chơi, bạn có thể chơi cùng bé những trò đơn giản như lăn bóng qua lại, chơi đóng vai hoặc các sinh hoạt hàng ngày như gấp quần áo, tập đánh răng…Những loại hoạt động này có thể giúp phát triển các hành vi thân thiện với xã hội bằng cách nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc và hợp tác với người khác.
Các mốc phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp
Một em bé 2 tuổi sẽ thể hiện nhu cầu cá nhân như:
- Nói những câu ngắn có từ 2 đến 4 từ.
- Chỉ vào đồ vật khi chúng được đặt tên.
- Biết các bộ phận cơ thể quen thuộc.
- Nhận ra người quen.
- Bé lặp lại những từ đã được nghe và có thể làm theo những hướng dẫn đơn giản
Lời khuyên dành cho cha mẹ: Khi đưa bé đi dạo hoặc đi chơi, hãy nói cho bé biết tên những thứ bạn nhìn thấy.
Các mốc phát triển trí não
- Biết phân loại các hình dạng như hình tam giác, tròn, vuông, chữ nhật và phân biệt được các màu sắc khác nhau.
- Có thể tìm thấy những thứ được giấu dưới nhiều lớp
- Trả lời được những câu hỏi quen thuộc trong sách và truyện đọc hàng ngày
- Chơi các trò chơi tưởng tượng đơn giản.
- Xếp chồng các hình khối, ít nhất từ bốn khối trở lên
- Làm theo các hướng dẫn ngắn và đơn giản
- Chủ động sử dụng tay thuận nhiều hơn
Lời khuyên dành cho cha mẹ: Khuyến khích bé đi quanh phòng để tìm đồ vật bạn giấu và cho bé những hướng dẫn hoặc gợi ý.
Các mốc phát triển vận động và thể chất l
- Có thể chạy, đá bóng và ném bóng qua đầu.
- Chạy nhanh hơn
- Leo lên xuống từ đồ đạc không cần sự trợ giúp của người lớn.
- Tạo hoặc sao chép các đường thẳng và hình tròn.
Lời khuyên dành cho cha mẹ: Tạo những thử thách nhỏ về kỹ năng vận động tinh cho bé chẳng hạn như yêu cầu bé lật trang sách.
Các mốc quan trọng về thực phẩm và dinh dưỡng
- Nhai với cử động hàm đầy đủ.
- Sử dụng đồ dùng chưa thành thạo, có thể rơi hoặc đổ.
Lời khuyên dành cho cha mẹ: Cha mẹ hãy bình tĩnh và chấp nhận. Hãy dành cho con bạn sự quan tâm tích cực khi bé ăn, nhưng đừng coi đó là vấn đề khi bé không ăn. Chỉ cần lấy thức ăn đi, đậy nắp lại và đưa cho bé nếu bé mong muốn bắt đầu bữa ăn lại.
Một số hoạt động khác hỗ trợ sự phát triển của bé 2 tuổi
Một số cha mẹ băn khoăn không biết nên dạy gì cho bé hoặc hoạt động nào là phù hợp cho bé 2 tuổi? Dưới đây là một số hoạt động đơn giản để giúp thúc đẩy sự phát triển của bé:
- Tạo một số hoạt động gia đình. Tạo ra nhiều thói quen tốt trong gia đình chính là cách giúp bé học hỏi và gia tăng sự kết nối với các thành viên gia đình. Cha mẹ có thể tạo ra nhiều hoạt động gia đình như đi công viên vào cuối tuần, ăn bữa tối cùng nhau, có lịch làm việc nhà cùng nhau hoặc đọc sách trò chuyện mỗi đêm. Tất cả những hoạt động gia đình đều góp phần nuôi dưỡng và phát triển kỹ năng xã hội của bé.
- Tập cho bé ngồi bô. Khi được 2 tuổi, bé đã sẵn sàng để tập đi vệ sinh đúng giờ và chủ động. Các dấu hiệu bé sẵn sàng ngồi bô như tỏ ra thích thú khi sử dụng bô, có thể kéo quần rồi đứng dậy. Một số bé chưa thực sự sẵn sàng nhưng bạn có thể bắt đầu giới thiệu và đặt chiếc bô đáng yêu ở góc bé dễ nhìn thấy. Sau đó, mỗi ngày hãy hướng dẫn cho bé từng chút một về cách sử dụng bô như thế nào.
- Thực hiện các bước để xử lý cơn giận dữ. Trước tiên để điều chỉnh cảm xúc của bé, cha mẹ cần kiểm soát sự giận dữ của bản thân và cố gắng không phán xét chính mình. Đây có thể là giai đoạn khó khăn với cha mẹ, nhưng hãy tin rằng con bạn sẽ vượt qua khủng hoảng nhanh chóng nếu được hỗ trợ từ bạn.
Dinh dưỡng cho bé 2 tuổi
Tương tự các tháng trước, bé cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm qua ba bữa chính và hai bữa phụ. Đặc biệt, thiết lập các thói quen tốt để bé ăn uống lành mạnh và vui vẻ đóng vai trò quan trọng không kém. Sau đây là một số cách tạo nên thói quen ăn uống lành mạnh ở bé:
- Cho bé ăn cùng gia đình. Bé nên được ngồi ăn cùng gia đình càng sớm càng tốt. Lưu ý, cha mẹ không nên sử dụng tivi, điện thoại hoặc bất ký thiết bị điện tử nào trong quá trình ăn uống. Thay vào đó, cha mẹ hãy trò chuyện cùng nhau và cho bé tham gia vào các cuộc trò chuyện gia đình. Thói quen này giúp bé hào hứng đến bữa ăn, đồng thời luyện tập được khả năng tương tác và chia sẻ trong tương lai.
- Cha mẹ làm gương bằng cách ăn uống lành mạnh. Nếu bạn muốn bé ăn nhiều rau trái cây và các thực phẩm lành mạnh thì cha mẹ cũng cần thực hiện điều đó trước mặt trẻ. Cha mẹ thưởng thức bữa ăn ngon lành kèm những lời tán thưởng và mời bé ăn cùng sẽ kích thích bé tham gia ăn uống.
- Dạy bé cách cư xử tốt trên bàn ăn. Mặc dù bé 2 tuổi có thể còn quá nhỏ để có thể nói “dạ, xin” và “cảm ơn” một cách thường xuyên, nhưng bạn làm gương bằng cách tích cực sử dụng những cụm từ này với các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, bạn cũng khuyến khích bé không nói chuyện hoặc hát khi đang nhai thức ăn. Một số quy tắc cơ bản sẽ giúp bé biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm.
Giấc ngủ của bé 2 tuổi
Bé 2 tuổi có thể ngủ khoảng 12 đến 13 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, bé vẫn cần một giấc ngủ ngắn khoảng 1-2 giờ vào buổi trưa.
Làm gì để đối phó với những cơn ác mộng giữa đêm của bé?
Em bé 2 tuổi có thể thức dậy và gọi bạn vào giữa đêm, thậm chí la hét và khóc lóc không ngừng. Ở độ tuổi này, bé thường gặp những cơn ác mộng đáng sợ diễn ra vào sau nửa đêm. Khi bé gặp ác mộng, bé đột nhiên thức dậy khóc, sợ hãi và khó ngủ lại. Dưới đây là một số biểu hiện của bé khi gặp ác mộng:
- Khóc không kiểm soát
- Lắc đầu, đổ mồ hôi hoặc thở gấp
- Sợ hãi, tay chân luống cuống
- Đập vào xung quanh, đá, la hét hoặc nhìn chằm chằm
- Không nhận ra bạn đang ở đó
- Đẩy bạn ra xa, đặc biệt nếu bạn cố chạm vào người bé
Nhìn chung, bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn các cơn ác mộng nhưng việc chuẩn bị và chăm sóc trước khi đi ngủ giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn. Từ đó, tần suất gặp ác mộng và hoảng loạn của bé cũng giảm dần.
- Đảm bảo tuân thủ một lịch trình đi ngủ đều đặn cho bé. Các bước tắm, đánh răng, thay quần áo hoặc đọc truyện trước khi đi ngủ là các thói quen cần thiết để chuẩn bị đi ngủ cho bé. Ngoài ra, bạn cần giữ giờ giấc ngủ không quá chênh lệch để cơ thể bé có những tín hiệu ngủ ngon giấc.
- Khi bé khóc hoặc gọi bạn trong đêm, bạn nên nhanh chóng đến bên bé. Điều này giúp bé cảm thấy yên tâm và an toàn, đồng thời giúp bé ngủ lại dễ dàng hơn.
- Hãy trấn an bé bằng những câu nói nhẹ nhàng để bé biết rằng giấc mơ không có thật, các nhân vật sẽ không làm hại bé và bé vẫn an toàn.
- Có thể bật đèn ngủ nếu bé vẫn cảm thấy bất an và lo lắng.
- Kiểm tra lại căn phòng xem có đồ vật gì làm bé sợ hãi không? Ví dụ như cái bóng của đồ chơi hắt lên tường. Nếu có, hãy dọn dẹp lại căn phòng và giữ cho các vật gợi nỗi sợ ngoài tầm mắt bé.
Những điều cần chú ý
Mặc dù tất cả trẻ đều phát triển khác nhau nhưng cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ Nhi Khoa nếu bé có những dấu hiệu dưới đây:
- Không biết cách cầm nắm, chơi và sử dụng các đồ vật thông thường
- Không nói được cụm hai từ
- Không bắt chước được hành động
- Không bắt chước lặp lại từ theo cha mẹ
- Không làm theo hướng dẫn cơ bản.
- Không thể bước đi vững vàng.
- Mất đi những kỹ năng tháng trước từng có.
Những câu hỏi thường gặp
Bé 2 tuổi bày tỏ cảm xúc phức tạp hơn như tự hào, xấu hổ, hoặc tội lỗi, và thể hiện sự đồng cảm với người khác. Bé cũng học cách chơi và tương tác với trẻ khác, mặc dù vẫn thích chơi độc lập. Bé có thể phân loại hình dạng và màu sắc, tìm thấy đồ vật ẩn, hoàn thành câu trong sách, và chơi trò chơi tưởng tượng đơn giản. Bé 2 tuổi có thể chạy, đá bóng, ném bóng qua đầu và sao chép các hình vẽ đơn giản. Cha mẹ có thể hỗ trợ bé bằng cách chơi cùng bé các trò chơi đơn giản và tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày như gấp quần áo và tập đánh răng. Cha mẹ nên tìm cơ hội để tham gia vui chơi và trò chuyện với bé, qua đó giúp phát triển các hành vi thân thiện với xã hội và nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc và hợp tác với người khác.
Lời kết
Khi bé được 2 tuổi, bé sẽ phát triển nhiều kỹ năng về thể chất và trí não. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần chú trọng xây dựng thói quen và các hành vi tích cực của bé. Đồng thời giúp bé bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng và lành mạnh.
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi