Tư vấn chuyên môn bài viết
BS. CKI. Tô Văn Vinh
Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ
Mục lục
Khái niệm cơ bản về chăm sóc bé 4 tháng tuổi
Dưới đây là một số lời khuyên chăm sóc cơ bản cho trẻ 4 tháng tuổi:
Vỗ ợ hơi
Bạn có thể đã quen với việc vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi cữ bú. Tuy nhiên, ở độ tuổi này bé có thể ngẩng cao đầu và ngồi vững hơn. Do vậy, một số bé bú xong mà không cần vỗ ợ. Lưu ý, mỗi em bé đều khác nhau. Nếu bé khó chịu hoặc đầy hơi, thì cha mẹ hãy tiếp tục vỗ lưng cho bé sau cữ bú.
Ngừa côn trùng đốt
Nếu bạn thường xuyên đưa bé ra công viên hoặc ra ngoài chơi, bạn cần bảo vệ da bé bằng các loại xịt chống côn trùng đốt. Hãy lựa chọn các sản phẩm có các thành phần tự nhiên an toàn cho em bé và tránh các khu vực ẩm ướt, nhiều bụi rậm. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng màn chống muỗi và côn trùng cho xe đẩy.
Chống nắng
Vì bé còn nhỏ nên bạn cần cho bé tránh ánh nắng trực tiếp, đặc biệt vào giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Lời khuyên cho cha mẹ là sắp xếp thời gian đưa bé ra ngoài chơi vào chiều mát hoặc nếu cần phải ra ngoài, hãy cho bé mặc quần áo dài tay và mũ che nắng cẩn thận.
Không sử dụng mật ong
Trẻ dưới 12 tháng tuổi không được sử dụng mật ong. Em bé dưới 1 tuổi không nên sử dụng mật ong nguyên chất và các sản phẩm có chứa mật ong. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc, gây ra hoạt động bất thường của hệ thống thần kinh.
Sự phát triển của bé 4 tháng tuổi
4 tháng tuổi em bé đã sự phát triển và tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, cân nặng của bé có thể tăng gấp đôi khi sinh. Đồng thời, có một số sự thay đổi về ăn ngủ của bé.
Sữa và cữ bú của bé
Khi được 4 tháng tuổi, bé thường vẫn bú mẹ, bú bình hoặc kết hợp cả hai. Bé thường bú khoảng 110-180 ml sữa/cữ, mỗi cữ cách nhau 3-4 giờ. Để biết bé bú đủ hay chưa, cha mẹ cần để ý đến tã của bé. Mỗi bé phải có ít nhất 5 đến 6 chiếc tã ướt mỗi ngày.
Giấc ngủ của bé
Nói chung, bé 4 tháng tuổi cần ngủ từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Vào ban ngày, tổng thời ngủ của bé trung bình 3-4 giờ, thời gian thức giữa những giấc ngủ ngắn là 1,5-2,5 giờ. Trong khoảng thời gian ngủ đêm, bé có thể chủ động lật sấp. Tuy nhiên, điều quan trọng đầu giấc ngủ bạn cần đặt bé nằm ngửa.
Những sự phát triển khác của bé
Tầm nhìn đang phát triển giúp bé theo dõi các đồ vật và sức mạnh của cổ tăng lên giúp bé giữ vững đầu. Trẻ có thể ngồi thẳng khi được hỗ trợ và có thể theo dõi các vật chuyển động bằng mắt từ bên này sang bên kia. Bé cũng thích nhìn các đồ vật nhiều màu sắc, nhiều hình dạng và hoa văn hơn. Trí não và kết nối của bé cũng phát triển rõ hơn. Khi em bé mỉm cười, cười lớn hoặc phát ra những âm thanh thú vị, nếu cha mẹ phản hồi lại bằng nụ cười và trêu đùa thì em bé sẽ vô cùng thích thú. Bé 4 tháng tuổi thích lắc đồ vật và đưa đồ vật lên miệng. Bé cũng có khả năng bị thu hút bởi đôi chân của mình. Đây là những dấu hiệu ban đầu phản ánh bé đang làm quen với các bộ phận cơ thể và phối hợp động tác.
Các cột mốc quan trọng của bé 4 tháng tuổi
Ở tháng thứ 4, bé đang trở nên năng động hơn và quan tâm đến môi trường xung quanh. Bé biểu hiện nhiều sự thích thú về các loại âm thanh. Đồng thời, bé bập bẹ và phát ra nhiều âm thanh như “oooo”, “aahh”. Bé hào hứng đáp lại khi bạn nói chuyện với bé và quay đầu về hướng có giọng nói của bạn.
Về cột mốc xã hội và tình cảm, một số bé tự mỉm cười để thu hút sự chú ý của bạn. Thêm vào đó, khi bạn cố trêu chọc bé, bé sẽ tự động cười khúc khích. Bé sẽ nhìn bạn chăm chú, di chuyển hoặc tạo ra thêm nhiều âm thanh để giữ sự chú ý của bạn.
Ngoài ra, em bé 4 tháng tuổi ngày càng thích khám phá thế giới xung quanh. Bé sẽ liên tục với lấy lục lạc và đồ vật. Và đa phần bàn tay nhỏ bé của bé chủ yếu ở trạng thái mở (thay vì nắm tay như trong vài tháng đầu tiên). Ở độ tuổi này, bé đang quan sát bàn tay của mình một cách thích thú và đưa tay lên miệng. Bé cũng có thể chống khuỷu tay hoặc bàn tay lên trong thời gian nằm sấp.
Bé có thể dùng chân ấn xuống sàn khi bạn giúp bé đứng lên. Một số cột mốc quan trọng khác của bé như sau:
- Thích thú hơn khi chơi với mọi người
- Tiếp cận đồ vật bằng một tay
- Chú ý đến hình ảnh phản chiếu của bé trong gương
- Vững hơn khi đứng trên mặt phẳng cứng
Nếu bạn nhận thấy bé 4 tháng tuổi có bất kỳ biểu hiện nào sau đây, thì bạn nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ Nhi Khoa
- Không phản hồi hoặc không quan tâm đến khuôn mặt của bạn
- Không cười
- Không thể ngẩng đầu lên hoặc ngồi khi có sự hỗ trợ
- Không quan sát người hoặc đồ vật khi di chuyển
- Tăng cân chậm hoặc các chỉ số không phù hợp với biểu đồ tăng trưởng
Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng mỗi em bé có tốc độ khác nhau. Do vậy, bạn không cần quá áp lực khi chưa đạt tất cả cột mốc. Hãy tận hưởng quá trình cùng bé lớn lên và những trải nghiệm thay đổi từng ngày của bé.
Sức khỏe và sự an toàn của bé 4 tháng tuổi
Đã đến lúc thăm khám sức khỏe và thực hiện tiêm ngừa cho bé 4 tháng tuổi. Tương tự lần tiêm chủng trước, bé sẽ được tiêm chủng mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, bao gồm: bạch cầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viêm gan B và bại liệt. Cha mẹ cần hiểu rằng, việc tiêm vắc-xin sớm giúp cho bé phòng ngừa các bệnh nguy hiểm và giúp bé có hệ miễn dịch tốt hơn. Ngoài ra, bác sĩ Nhi Khoa sẽ thảo luận về lịch trình bú và ngủ của bé, kiểm tra các mốc tăng trưởng và phát triển của bé.
Những câu hỏi thường gặp
Bé 4 tháng tuổi cần ngủ khoảng 12-16 giờ mỗi ngày. Bạn sẽ thấy bé ngủ nhiều hơn vào ban đêm và thức giữa những giấc ngủ ngắn hơn trong ngày. Lưu ý đặt bé nằm ngửa khi bắt đầu giấc ngủ, mặc dù bé có thể tự lật sấp trong lúc ngủ. Bé 4 tháng tuổi cần chăm sóc đặc biệt, bao gồm vỗ ợ hơi sau khi bú, bảo vệ bé khỏi côn trùng và ánh nắng mặt trời. Đừng sử dụng mật ong cho bé dưới 12 tháng tuổi vì nguy cơ ngộ độc. Chăm sóc bé cần tính tới sự an toàn và phát triển thể chất. Bé 4 tháng tuổi có thể tăng gấp đôi cân nặng lúc sinh. Bạn sẽ nhận thấy sự phát triển về tầm nhìn, sức mạnh cổ, và khả năng ngồi thẳng khi được hỗ trợ. Bé cũng bắt đầu quan tâm đến màu sắc, hình dạng và hoa văn của các đồ vật xung quanh. Bé 4 tháng tuổi bắt đầu mỉm cười, phát ra âm thanh và thích thú khi cha mẹ phản hồi lại. Sự tương tác và phản ứng này giúp phát triển kết nối xã hội và cảm xúc của bé. Cha mẹ nên dành thời gian chơi cùng và nói chuyện với bé để kích thích sự phát triển này. Bé 4 tháng tuổi cần tiêm chủng và thăm khám sức khỏe định kỳ. Cha mẹ nên theo dõi sự phát triển và tăng trưởng của bé, cũng như các mốc phát triển. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe hay phát triển của bé, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác
Lời kết
Đến tháng thứ 4, bé phát triển vượt bậc hơn so tháng trước. Đây là khoảng thời gian quý báu để giúp bé phát triển vận động, ngôn ngữ và nhận biết thế giới xung quanh. Vì thế, cha mẹ cần sắp xếp nhiều thời gian để tương tác và thấu hiểu bé nhiều hơn. Tuy nhiên, đừng quên rằng sức khỏe của bạn cũng quan trọng không kém.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sự tăng trưởng và phát triển của em bé, vui lòng liên hệ bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau sinh, vui lòng liên hệ bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh.
1. American Academy of Pediatrics. Sleep. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/default.aspx Nguồn tham khảo
2. Centers for Disease Control and Prevention. Important Milestones: Your Baby By Four Months. Updated August 11, 2021. https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/milestones-4mo.html
3. American Academy of Pediatrics. Starting solid foods. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Starting-Solid-Foods.aspx
4. American Academy of Pediatrics. How to keep your sleeping baby safe: AAP policy explained. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/A-Parents-Guide-to-Safe-Sleep.aspx
5. American Academy of Pediatrics. Baby. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/default.aspx
6. U.S. Centers for Disease Control and Prevention. Milestone moments. https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/pdf/parents_pdfs/milestonemomentseng508.pdf
7. The American Academy of Pediatrics. How to Keep Your Sleeping Baby Safe: AAP Policy Explained. https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-home/medication-safety/Pages/How-to-Manage-Colds-and-Flu.aspx
8. American Academy of Pediatrics. Caring for your child’s cold or flu. https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/fever/Pages/Fever-Without-Fear.aspx
9. American Academy of Pediatrics. Fever without fear: Information for parents. https://medlineplus.gov/ency/article/007615.htm
10. U.S. National Library of Medicine. Thrush in newborns. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Why-Babies-Spit-Up.aspx
11. American Academy of Pediatrics. Why babies spit up. https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-play/Pages/Insect-Repellents.aspx
12. American Academy of Pediatrics. Choosing an insect repellent for your child. https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-play/Pages/Sun-Safety-and-Protection-Tips.aspx
13. The American Academy of Pediatrics. Sun Safety and Protection Tips. https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/infections/Pages/Botulism.aspx
14. The American Academy of Pediatrics. Botulism. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/prenatal/decisions-to-make/Pages/Should-I-Breastfeed-or-Bottlefeed.aspx#:~:text=The%20American%20Academy%20of%20Pediatrics,and%20each%20has%20its%20advantages.
15. American Academy of Pediatrics. Should I breastfeed or bottlefeed? https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Emotional-and-Social-Development-4-7-Months.aspx
16. American Academy of Pediatrics. Emotional and social development: 4 to 7 months. https://healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/default.aspx
17. American Academy of Pediatrics. Ages and stages: Baby. Healthy Children.org. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Cognitive-Development-4-to-7-Months.aspx
18. American Academy of Pediatrics. Cognitive development: 4 to 7 months. HealthyChildren.org. https://doi.org/10.1093/pch/17.10.561
19. American Academy of Pediatrics. HealthyChildren.org. Ages and stages: Starting solid foods. https://www.uptodate.com/contents/nausea-and-vomiting-in-infants-and-children-beyond-the-basics
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi