Các Mốc Phát Triển Quan Trọng Của Bé 22 Tháng Tuổi

Các Mốc Phát Triển Quan Trọng Của Bé 22 Tháng Tuổi
BS. CKI. To Van Vinh

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS. CKI. Tô Văn Vinh

Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ

Đặt Lịch Hẹn Xem hồ sơ
Khi bé được 22 tháng tuổi, sở thích và phản ứng của bé với môi trường xung quanh sẽ rõ ràng hơn. Đây cũng là thời điểm bé thách thức những giới hạn của cha mẹ. Và bạn đang băn khoăn không biết đặt ra giới hạn và cách thức thực hiện như thế nào.

Trong bài viết dưới đây, cha mẹ cùng tìm hiểu các mốc phát triển quan trọng và các hoạt động vui chơi diễn ra trong tháng thứ 22 của bé.

Các mốc phát triển của bé 22 tháng tuổi

Bé đang học hỏi và phát triển nhanh chóng theo từng tháng. Cha mẹ sẽ thấy em bé nhỏ nhắn ngày nào tiến bộ về vận động, ngôn ngữ và cảm xúc. Mỗi bé có tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên dưới đây là một số kỹ năng bé sẽ phát triển trong tháng thứ 22:

  •  Đứng nhón chân. Ở độ tuổi này, bé có thể kiễng chân lên. Do đó, bạn cần cẩn thận khi để các đồ vật trong trên bàn, kệ tivi, tủ đựng đồ vì bé có thể với tay lên.
  •  Làm theo hướng dẫn đơn giản. Bé đã có thể làm theo một vài hướng dẫn đơn giản của bạn như ngồi xuống, nhặt đồ chơi, lấy quần áo… Bạn nên lặp lại các cụm từ ngắn gọn và làm mẫu để khuyến khích kỹ năng ở bé.
  • Chỉ dẫn hoặc ra lệnh. Bé sẽ thích thú chơi trò giả vờ và đóng vai nên không quá ngạc nhiên khi bé sẽ ra lệnh cho bạn phải làm gì. Bé sẽ hướng dẫn để bạn chơi cùng và làm theo đúng mong muốn của bé. Khi bạn phối hợp ăn ý, bé sẽ trở nên vô cùng thích thú.
  • Lặp lại các từ. Bạn nhận thấy bé lặp đi lặp lại những từ bạn nói trong cuộc trò chuyện hàng ngày. Vì thế, bạn cần chú ý những từ ngữ trong giao tiếp hàng ngày.

Các hoạt động hỗ trợ sự phát triển của bé 22 tháng tuổi

Dưới đây là một số hoạt động để cha mẹ hỗ trợ sự phát triển của bé:

  •  Khuyến khích bé bằng cách phản ứng tích cực với những kỹ năng mới mà trẻ đang thành thạo. Khen ngợi, bày tỏ cảm xúc hoặc thể hiện hành động vỗ tay, ôm hôn bé sẽ tạo ra những phản hồi tích cực để khuyến khích bé tiếp tục học hỏi.
  • Bé trở nên năng động, độc lập hơn và muốn khám phá thế giới. Dù vậy, bé vẫn chưa phát triển khả năng nhận thức và phán đoán tình huống nên cha mẹ cần ở bên cạnh để đảm bảo bé được an toàn. Đồng thời, hướng dẫn và giải thích các tình huống xảy ra để bé phát triển khả năng quan sát tốt hơn.
  • Trong giai đoạn chập chững, bé rất tò mò về mọi đồ vật xung quanh. Đây là lúc cha mẹ hướng dẫn cho bé về sự an toàn. Bạn lặp lại yêu cầu bé không chạm vào bếp, chảo, ổ điện, cánh quạt và vật sắc nhọn bằng những lời giải thích ngắn gọn như vì nóng, vì đau. Đồng thời, bảo bé lặp lại như bạn để bé có thể ghi nhớ được. Dù vậy bạn vẫn cần giám sát bé trong các hoạt động hàng ngày vì bé vẫn chưa nhận thức được nguy hiểm.
  • Cha mẹ giúp bé phát triển kỹ năng xã hội bằng cách tạo ra nhiều cuộc vui chơi. Bạn có thể đưa bé ra khu vui chơi, công viên, sân chung cư để bé có cơ hội kết nối và kết bạn. Đặc biệt, môi trường nhiều em bé cùng độ tuổi sẽ tốt cho sự phát triển của bé.

Dinh dưỡng của bé 22 tháng tuổi

Trong năm thứ 2, em bé cần bổ sung nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để tăng trưởng thể chất và phát triển trí não. Vì vậy, hầu hết các bé sẽ cần ăn ba bữa chính và hai bữa phụ mỗi ngày. Tương tự như người lớn, bé sẽ có những khoảng thời gian bỏ bữa, biếng ăn hoặc ăn nhiều một món hơn bình thường. Cha mẹ chỉ cần đảm bảo đa dạng các nguồn dinh dưỡng cho bé, tuân thủ kỷ luật mỗi bữa ăn và không ép bé ăn khi bé không muốn.

Dưới đây là một số mẹo cha mẹ có thể áp dụng để bé hình thành thói quen ăn uống lành mạnh:

  • Khuyến khích bé vận động hàng ngày. Một em bé vận động, chạy nhảy và tiêu hao nhiều năng lượng mỗi ngày sẽ giúp bé mau chóng đói bụng và kích thích bé ăn ngon miệng hơn. Thay vì nghĩ xem nên đưa bé đến khu vui chơi nào, cha mẹ có thể tận dụng các không gian nhà hoặc ngoài sân để nhảy múa, vui đùa và vận động cùng bé.
  • Thiết lập thói quen ăn uống tốt. Cha mẹ cần để bé chủ động lựa chọn và quyết định khi nào bé sẽ dừng ăn. Thay vì ép bé ăn hết thức ăn, hãy cho phép bé được ăn uống vui vẻ và dừng lại khi bé đã no. Điều này làm cho bé không sợ hãi khi đến bữa ăn và có thể tận hưởng bữa ăn trọn vẹn hơn.
  • Chọn đồ ăn cho bữa phụ đảm bảo dinh dưỡng. Bữa chính là bữa quan trọng, nhưng bữa phụ cũng góp phần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Cha mẹ nên cung cấp đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe bé như trái cây, thực phẩm từ sữa ít béo và thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh quy và khoai tây chiên.
  • Không để bé ăn nhiều đồ ngọt. Hầu hết các bé đều yêu thích vị ngọt từ bánh, kẹo. Tuy nhiên việc cho bé ăn bánh kẹo gần bữa ăn chính hoặc khi bé bỏ bữa chính sẽ làm bé biếng ăn và khó quay lại với thói quen ăn uống hằng ngày. Các loại bánh kẹo nhiều calo khiến bé no lâu nhưng không đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của bé.
  • Kỉ luật bàn ăn. Khi bé ngồi vào bàn ăn, cha mẹ cần cất điện thoại, tivi hoặc các thiết bị gây xao nhãng đến sự tập trung ăn uống của bé. Cha mẹ nên ngồi ăn cùng bé để kích thích sự hứng thú, xây dựng sự gắn kết gia đình và tăng cường khả năng giao tiếp của bé.

Làm gì khi bé bị táo bón?

Một số bé có thể không đi ngoài trong hai hoặc ba ngày và không bị táo bón. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây thì đó có thể là táo bón:

  • Bé cảm thấy khó chịu hoặc đau khi đi ngoài
  • Sau vài ngày trẻ không đi ngoài thì phân to, cứng và khô
  • Có máu trên hoặc trong phân
  • Bé khó đi ngoài, rặn nhiều.

Nếu bé bị táo bón, sau đây là một số mẹo nhỏ để khắc phục tại nhà. Nếu tình trạng táo bón không cải thiện khi bạn đã thực hiện các cách dưới đây, bạn nên liên hệ với các bác sĩ Nhi khoa.

  • Thêm thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày của bé. Thực phẩm như mận, mơ, mận, bông cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì có thể giúp bé đi ngoài tốt hơn.
  • Ở độ tuổi này, bé hoạt động và ra mồ hôi nhiều. Vì vậy, bạn cần cung cấp đủ nước cho bé bằng cách cho bé uống thêm nước hoặc nước trái cây không đường.
  • Cân nhắc luyện tập cho bé thói quen đi ngoài vào một khung giờ nhất định.

Giấc ngủ của bé 22 tháng tuổi

Mặc dù đã luyện ngủ nhưng không phải lúc nào bé cũng đi ngủ đúng giờ. Nếu bé đang có một chút thay đổi về giờ ngủ thì cha mẹ hãy kiên nhẫn luyện tập để bé quen giờ ngủ trở lại. Trong giai đoạn 22 tháng tuổi, cuộc sống của bé sẽ thú vị hơn với nhiều đồ chơi mới, muốn nghe kể chuyện, phấn khích với nhân vật hoạt hình. Vì thế, bé có nhiều năng lượng dù đã đến giờ đi ngủ. Cha mẹ có thể thay đổi một số hoạt động trước giờ ngủ như tắm nước ấm, massage, kể những câu chuyện nhẹ nhàng để giảm sự phấn khích của bé. Khi lặp đi lặp lại mỗi ngày, cơ thể và trí não của bé sẽ dần quen với các hoạt động đi ngủ. Khi đó bé sẽ tuân thủ lịch ngủ như bình thường.

Sức khỏe của bé 22 tháng tuổi

Bé có rất nhiều cảm xúc mới nhưng không biết cách thể hiện cảm xúc rõ ràng. Bé sẽ học hỏi bằng cách quan sát từ cha mẹ và người chăm sóc chính. Do vậy, để phát triển trí tuệ cảm xúc của bé, cha mẹ cần lưu ý một số hoạt động dưới đây:

  • Giúp bé hiểu về sự chia sẻ. Trong bất kỳ hoạt động hàng ngày khi có sự chia sẻ, bạn cần bày tỏ và giải thích cho bé tình huống đang diễn ra. Ví dụ, khi bạn chia sẻ kẹo cho một em bé khác, bạn có thể tâm sự nói chuyện với bé và khuyến khích bé bắt chước bạn.
  • Thể hiện cảm xúc bản thân. Nếu bạn có một ngày làm việc mệt mỏi, thay vì cáu gắt khó chịu thì bạn có thể bày tỏ với bé “Hôm nay mẹ buồn quá!”. Em bé gần 2 tuổi chưa biết cách diễn đạt cảm xúc và chỉ có thể bắt chước hành vi của bạn. Do vậy, bạn bày bỏ cảm xúc một cách lành mạnh, đa dạng thì bé cũng sẽ học theo và phát triển cảm xúc đa chiều hơn.
  • Chú ý đến hành vi tốt của bé. Khi bé làm điều gì đó mà bạn từng khuyến khích, bạn nên dừng lại để chú ý, động viên và khen thưởng bé. Việc củng cố hành vi tích cực sẽ giúp bé phân biệt được nhóm hành vi nên làm và không nên làm, đồng thời xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin của bé trong các cột mốc  tương lai.

Những câu hỏi thường gặp

Bé 22 tháng tuổi thường rất năng động, có khả năng đi bộ, chạy, và nhảy một cách vững vàng. Bé cũng thích thử nghiệm với các hoạt động mới như leo trèo hoặc đá bóng.

Bé ở độ tuổi này có thể nói được nhiều từ hơn và bắt đầu kết hợp chúng thành cụm từ ngắn. Họ cũng có khả năng hiểu và tuân theo chỉ dẫn đơn giản.

Bé thích chơi trò giả vờ và đóng vai, thể hiện khả năng tương tác với người lớn và trẻ em khác, nhưng vẫn chủ yếu chơi song song chứ không phối hợp.

Cha mẹ nên duy trì thói quen ngủ đều đặn cho bé và tạo môi trường yên tĩnh, an toàn vào buổi tối để giúp bé ngủ ngon hơn.

Giám sát chặt chẽ và tạo môi trường an toàn là quan trọng. Dạy bé về an toàn cá nhân và giúp họ bày tỏ cảm xúc một cách lành mạnh cũng rất cần thiết.

Lời kết

Khi bé được gần 2 tuổi, bé sẽ phát triển nhiều kỹ năng về thể chất và trí não. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần chú trọng xây dựng thói quen và các hành vi tích cực của bé. Đồng thời giúp bé bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng và lành mạnh.

Thông tin đáng tin cậy từ Felisa

Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.

Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.

Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi

Bình luận (0 bình luận)