Tư vấn chuyên môn bài viết BS. CKI. Tô Văn Vinh Chuyên khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Từ Dũ
Nhịp sống hiện đại khiến cho con người ít hoạt động thể lực hơn, ăn các thức ăn giàu năng lượng hơn. Khi mang thai lại có quan niệm phải bồi dưỡng vào và hạn chế vận động. Nhiều bà bầu rất chú trọng vào dinh dưỡng trong thai kỳ nhưng không hề quan tâm đến những bài tập thể dục cho bà bầu để có sức khỏe tốt. Từ đó dẫn đến thừa cân, béo phì, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, khó sinh, mổ lấy thai,…
Trong bài viết này, hãy cùng FELISA tìm hiểu lợi ích của các bài tập thể dục cho bà bầu nhé!
Các bài tập thể dục cho bà bầu liệu có an toàn?
Đây là câu hỏi mà nhiều mẹ thắc mắc khi mang thai. Có rất nhiều mẹ trước khi có thai từng tập luyện một bộ môn nào đó. Nhưng khi mang thai không duy trì nữa vì sợ ảnh hưởng đến em bé. Điều này có nên hay không? Liệu tập thể dục có ảnh hưởng đến thai kỳ?
Trên thực tế, nếu bà bầu có sức khỏe bình thường và thai kỳ bình thường thì có thể tập thể dục hàng ngày. Việc tập thể dục vừa phải không gây nguy cơ sẩy thai hay sinh non. Nếu bà bầu đã có thói quen luyện tập thể dục từ trước thì nên duy trì việc đó trong suốt thai kỳ. Bà bầu có thể thảo luận với bác sĩ trong những lần khám thai đầu tiên để tập luyện sao cho hiệu quả.
Lợi ích của các bài tập thể dục cho bà bầu
Nếu bà bầu nào trước đây chưa biết về vai trò của tập thể dục thì những thông tin dưới đây sẽ chỉ ra những lợi ích tuyệt vời của việc tập thể dục trong thai kỳ.
- Tập thể dục giúp các cơ bắp được vận động hiệu quả, máu lưu thông tốt hơn và tránh ứ trệ tuần hoàn.
- Giảm tình trạng đau nhức vùng lưng, vùng chậu và tay chân.
- Cải thiện thể lực của mẹ bầu giúp mẹ bầu sinh dễ hơn. Giúp rút ngắn thời gian chuyển dạ và giảm nguy cơ sinh mổ.
- Giảm táo bón
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật
- Kiểm soát tăng cân hiệu quả
- Cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn
- Ngăn ngừa trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh
Lợi ích của các bài tập thể dục cho bà bầu
Các bài tập thể dục cho bà bầu
Dưới đây là những bài tập phổ biến và an toàn cho các bà bầu
Đi bộ nhanh
Đây là một bài tập phổ biến nhất và dễ thực hành nhất. Có 1 lưu ý ở đây là bà bầu cần thực hiện đi bộ nhanh, để cơ thể tăng cường trao đổi năng lượng. Đa phần bà bầu hiểu sai về thực hành đi bộ chưa đúng làm việc tập thể dục không hiệu quả. Phụ nữ mang thai được khuyên tập 20-30 phút mỗi ngày.
Bơi hoặc bài tập dưới nước
Phương pháp tập này ít nguy cơ gây chấn thương. Nước vừa tạo kháng lực để mẹ bầu vận động hiệu quả, vừa nâng đỡ cơ thể giúp mẹ bầu tránh được chấn thương và căng cơ.
Tập với xe đạp cố định
Do giảm khả năng thăng bằng khi mang thai, mẹ bầu nên tập với xe đạp cố định thay vì lái xe trên đường để giảm nguy cơ ngã. Những loại xe đạp cố định này có rất nhiều ở các phòng gym.
Yoga và Pilates được điều chỉnh cho thai phụ
Yoga giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự dẻo dai, sức cơ cũng như chức năng hô hấp. Một số bài tập yoga được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai.
Nếu như bà bầu yêu thích và có thói quen tập luyện bộ môn thể thao từ trước khi mang thai và vẫn muốn duy trì tập luyện thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Điều này giúp bà bầu điều chỉnh cường độ tập luyện và điều chỉnh động tác cho phù hợp. Các mẹ cần tránh các hoạt động thể thao mang tính đối kháng, các bộ môn dễ té ngã va đập và các bài tập cho bà bầu có cường độ cao.
Trường hợp nào không nên tập thể dục khi mang thai?
Những bài tập thể dục cho bà bầu mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải trường hợp nào cũng tập được. Bà bầu có các bệnh lý hoặc biến chứng thai kỳ sau đây không nên tập thể dục khi mang thai:
- Một số bệnh tim hoặc bệnh phổi cần phải hạn chế vận động
- Có khâu eo cổ tử cung
- Mang đa thai và có yếu tố nguy cơ sinh non
- Nhau tiền đạo
- Ối vỡ non hoặc dọa sinh non
- Tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ
- Thiếu máu nặng.
Những bà bầu có vấn đề về sức khỏe không tập thể dục được nhưng không đồng nghĩa với thụ động chỉ nằm. Các mẹ vẫn nên vận động cơ thể một cách nhẹ nhàng và chỉ tránh các hoạt động gắng sức.
Dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu nên ngừng tập thể dục
Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo khi tập thể dục của Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo. Nếu bà bầu tập luyện có các dấu hiệu dưới đây thì nên ngừng tập thể dục và thăm khám bác sĩ.
- Chảy máu âm đạo
- Đau bụng
- Các cơn co thắt đau đớn thường xuyên
- Rỉ nước ối
- Khó thở trước khi gắng sức
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đau ngực
- Yếu cơ ảnh hưởng đến sự thăng bằng
- Đau hoặc sưng bắp chân
Lời Kết
Trên đây là lợi ích của các bài tập thể dục cho bà bầu và những dấu hiệu cảnh báo khi tập luyện. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc về các vấn đề trong thai kỳ và sau sinh, quý khách hàng vui lòng liên hệ tư vấn qua Fanpage FELISA MEDISPA hoặc đặt lịch khám trực tiếp với chúng tôi TẠI ĐÂY.
________________________________________________
- Địa chỉ: Số 4 đường 24A, Phường 10, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh
- Liên hệ đặt lịch qua Hotline: 0385356115 hoặc Fanpage FELISA MEDISPA
- Giờ làm việc: 10h – 20h (Từ thứ 2 đến Chủ Nhật)
Thông tin đáng tin cậy từ Felisa
Khi thực hiện các bài viết trên website, mục đích của chúng tôi là: bất kỳ bố mẹ nào cũng có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin chính xác.
Tất cả các bài viết của chúng tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các nguồn học thuật uy tín và đáng tin cậy. Chúng tôi xây dựng các bài viết này cùng với các cố vấn chuyên môn là các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản phụ tại ĐH Y Dược TPHCM & ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ thuộc chuyên khoa Da liễu tại ĐH Y Dược TPHCM.
Xem thêm: Quá trình biên tập của chúng tôi